Thời tiết chuyển mùa, chuyên gia cảnh báo dịch cúm có khả năng lây lan mạnh

Tin y tế 25/10/2022 09:04

Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh cúm mùa phát triển.

Theo thông tin từ VOV, Sở Y tế Hà Nội thống kê, tại khoa Nhi, Bệnh viện E, số lượng ca thăm khám liên quan đến bệnh cúm RSV, sốt xuất huyết… lên đến 100-150 ca/ngày. Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cũng ghi nhận trung bình từ 70-80 bệnh nhi thăm khám, trong đó, phần lớn có các triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người…

Dịch cúm mùa bất thường

Thông thường, bệnh cúm sẽ xảy ra nhiều vào khoảng thời gian mùa thu đông, trong khoảng thời gian tháng 9-10, đỉnh dịch là khoảng tháng 10, 11, 12. BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đã có khá nhiều đánh giá của các chuyên gia trên giới cho thấy, sau dịch COVID-19, mô hình của các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác đã thay đổi. Trong đó, với dịch cúm mùa, trong giai đoạn dịch COVID-19, người dân sử dụng khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, nên cúm ít có cơ hội bùng phát.

Đến giai đoạn mở cửa trở lại, các hoạt động giao tiếp trở lại bình thường, trường học đón học sinh trở lại… thì dịch cúm sẽ có cơ hội lây lan mạnh. Đây là lý do khiến từ thời điểm mùa hè, số bệnh nhân mắc cúm lại tăng, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, dẫn đến bất thường.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác với các biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho... Do đó khi có dấu hiệu mắc bệnh cúm người dân nên đến các cơ sở y tể để được chẩn đoán và điều trị, thay vì tự ý tìm mua những bộ xét nghiệm cúm hay sử dụng Tamiflu để điều trị bệnh.

Theo Sở Y tế Hà Nội, các bệnh truyền nhiễm khác như COVID-19 vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp. Bệnh sốt xuất huyết vẫn đang gia tăng về số lượng. Mới đây, số lượng bệnh nhân nhiễm Adenovirus vẫn đang ở mức cao. Hiện dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu, do vậy người dân và hệ thống y tế dự phòng cần phải chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, liệu trẻ đã tiêm vaccine COVID-19 thì có miễn nhiễm với cúm mùa hay không? Và có cần phải đi tiêm vaccine cúm mùa như cúm A,B hay không? Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh, vaccine COVID-19 không ngăn được cúm: “Đây là 2 loại virus khác nhau nên tiêm vaccine COVID-19 chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc và tăng nặng khi mắc COVID-19. Vaccine cúm cũng làm giảm nguy cơ mắc và tăng nặng của bệnh cúm. Do vậy, trẻ vẫn cần tiêm vaccine cúm để phòng bệnh cho trẻ”.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thời điểm giao mùa sang mùa đông xuân, người dân cần phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thủy đậu, ho gà… Bởi thời điểm này, nhiệt độ xuống thấp, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, lây nhiễm của virus, vi khuẩn. Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch; tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch cho trẻ em; thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng...

Thời tiết chuyển mùa, chuyên gia cảnh báo dịch cúm có khả năng lây lan mạnh - Ảnh 1
Sau dịch Covid-19, mô hình của các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác đã thay đổi - Ảnh minh họa: Internet

Cảnh giác với cúm gia cầm

Theo thông tin từ báo Người Lao động, Việt Nam vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus cúm gia cầm - cúm A/H5 sau hơn 8 năm. Bệnh nhân này là bé gái 5 tuổi ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Trước ca bệnh nêu trên, năm 2014, Bộ Y tế từng thông báo về 2 ca nhiễm A/H5N1 ở Bình Phước và Đồng Tháp, đều tử vong sau đó. Từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Trong đó, năm 2013, nước ta ghi nhận số ca mắc cúm A/H5N1 và tử vong cao, đứng thứ 3 trong khu vực.

Theo các chuyên gia dịch tễ, Việt Nam là một trong những nước có sự lưu hành của nhiều chủng virus cúm, bao gồm các chủng cúm gia cầm A/H5, A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8. "Các chủng A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc" - một chuyên gia cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết hiện đã có thêm nhiều loại thuốc kháng virus để điều trị các bệnh do virus, trong đó có cúm gia cầm. "Với các ca nhiễm cúm gia cầm, điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm để tránh tổn thương phổi, hạn chế tình trạng suy đa tạng. Vì thế, người nào từng tiếp xúc bệnh nhân mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh hoặc sống ở khu vực đang lưu hành bệnh cúm gia cầm, khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở… thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay" - bác sĩ Hà khuyến cáo.

PGS-TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết bệnh cúm A trên người là bệnh lây qua gia cầm. Virus này lây sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc vật dụng nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1; ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Nếu không xảy ra dịch trên gia cầm thì cũng không xảy ra dịch bệnh trên người.

Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi đó, tổng đàn gia cầm đang có xu hướng gia tăng để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Với thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do hoặc sau khi tiếp xúc gia cầm, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. 

Bệnh cúm gia cầm lây sang người nguy hiểm thế nào?

Sau 8 năm, Việt Nam tái xuất trường hợp mắc cúm gia cầm A/H5. Vậy bệnh cúm gia cầm lây sang người nguy hiểm thế nào?

TIN MỚI NHẤT