Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, 7 ngày ghi nhận hơn 2.653 ca COVID-19 mới, số ca mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo đạo nóng: 'Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong'
- Nhiều người "sốc nặng" vì mắc COVID-19 lần thứ 3, Bộ Y Tế cảnh báo
- Biến chủng mới của COVID-19 xuất hiện, bác sĩ khuyến cáo gì khi chủ động sử dụng test nhanh tại nhà
Theo thông tin Biên phòng, trong 7 ngày qua ( từ 9/4- 15/4), cả nước đã ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta, có 2 ngày liên tiếp số ca mắc ở con số 780 và 775 ca/ ngày.
Riêng ngày 14/4, số bệnh nhân COVID-19 phải thở ô xy qua mặt nạ lên đến 22 ca - cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Hiện có 10 bệnh nhân nặng, trong đó có 8 ca thở ôxy qua mặt nạ; hai ca thở ôxy dòng cao HFNC.
Theo thống kê, từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận 11.528.303 ca, trong đó có 43.186 ca tử vong. Đến nay đã hơn 3,5 tháng, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Xuất hiện biến thể mới XBB.1.5
Hiện nay, theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công. Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), 1 mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), 1 mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và 1 mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).
Sở Y tế TPHCM cho hay, XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023). Biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.
Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong
Thông tin thêm từ Xây dựng chính sách, pháp luật, ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cập nhật thông tin về tình hình thường xuyên dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Cùng đó tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao tự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.