Pha cồn với nước lọc để uống, 2 người đàn ông nhập viện do ngộ độc methanol, bị mù mắt, tổn thương não

Tin y tế 17/08/2023 06:15

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ ngày 16/8 cho biết, các bác sỹ tại đây đang cấp cứu, điều trị cho hai bệnh nhân ngộ độc cồn methanol.

Cụ thể, dẫn tin từ VTC News, trường hợp thứ nhất, một ngày sau khi uống hết 100 ml cồn 90 độ pha với 500 ml nước lọc, nam bệnh nhân bị đau bụng, nôn ra dịch nâu, mắt mờ dần. Anh được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng mất thị lực, kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng toan hóa máu.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol, phải lọc máu cấp cứu. Dù sau đó được chuyển lên khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị nhưng người này vẫn bị mất thị lực.

Trường hợp thứ 2 là người đàn ông 66 tuổi, uống phải cồn giả pha nước lọc. Một ngày sau, ông bị đau đầu, mắt mờ dần, vật vã kích thích, sau đó hôn mê. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng do ngộ độc methanol.

Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy có tổn thương nhồi máu, hoại tử, chảy máu nhân bèo hai bên – dạng tổn thương não điển hình do ngộ độc methanol. Dù được hồi sức tích cực, lọc máu, thở máy nhưng tình trạng người bệnh vẫn rất nặng, hôn mê sâu, có nhiều nguy cơ lâm vào tình trạng sống thực vật. 

Pha cồn với nước lọc để uống, 2 người đàn ông nhập viện do ngộ độc methanol, bị mù mắt, tổn thương não - Ảnh 1
Hình ảnh tổn thương nhồi máu, chảy máu nhân bèo hai bên ở người bệnh ngộ độc - Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Theo thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Tất Luật - Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trong thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc methanol đang có xu hướng gia tăng. Trong vòng nửa tháng, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca bệnh ngộ độc Methanol do uống phải cồn giả pha nước.

Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, được bán với giá rất rẻ nên dễ bị kẻ xấu sử dụng làm rượu giả, cồn giả pha nước (thay cho ethanol). Đó là lý do nhiều người mua cồn y tế hay các sản phẩm dán nhãn ethanol nhưng thành phần lại có chứa methanol, thậm chí nồng độ methanol rất cao.

Methanol được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa, qua da hoặc qua đường hô hấp. Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít trong thời gian dài hoặc lặp lại nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể và gây ngộ độc sau đó nhiều ngày. Tình trạng này hay gặp ở người nghiện rượu, người thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, cồn giả pha nước uống thay rượu, người lao động trong môi trường tiếp xúc với methanol nhưng không có bảo hộ lao động…

Hoặc người bệnh có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết, và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol).

Pha cồn với nước lọc để uống, 2 người đàn ông nhập viện do ngộ độc methanol, bị mù mắt, tổn thương não - Ảnh 2
Tình trạng ngộ độc methanol đang có xu hướng gia tăng - Ảnh minh họa: Internet

Một số biểu hiện khi bị ngộ độc methanol

Ngộ độc cấp tính: mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong.

Ngộ độc mạn tính: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, rối loạn tâm thần viêm kết mạc, nhìn mờ, mù… Di chứng nặng nề nhất là di chứng mắt và não: mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động, sống thực vật, thậm chí tử vong.

Bác sĩ chỉ cách sơ cứu sau vụ bé 2 tuổi bỏng họng do uống nhầm hóa chất tẩy rửa

Nếu trẻ ăn, uống nhầm hóa chất, việc sơ cứu ban đầu là rất quan trọng.

TIN MỚI NHẤT