Khoa học và thực tế đã chứng minh, một trong những biện pháp vô cùng quan trọng để phòng chống dịch Covid-19 đó là tiêm vắc xin.
- Vì sao chỉ 1/10 phụ huynh đồng ý tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi?
- Hà Nội có 12 người qua đời vì mắc sốt xuất huyết: Chống dịch như chống COVID-19
Thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò của vắc xin trong việc giúp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở nước ta và trên thế giới. Tuy nhiên, với một số tác dụng phụ kèm theo với cuộc sống hiện nay đã gần như trở lại bình thường khiến nhiều người băn khoăn về việc có nên tiêm mũi 5 Covid không?
Trao đổi về câu chuyên này, Thạc sĩ Đỗ Cao Vân Anh - Phó trưởng Bộ môn nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho biết, việc nên tiêm vắc xin mũi 5 hay không phụ thuộc mức độ tiềm ẩn của dịch, biến chủng của vi rút COVID-19.
Tại Việt Nam hiện nay dịch COVID-19 đã giảm về mức thấp, mỗi ngày chỉ vài trăm ca mắc mới, biến chủng Omicron chiếm chủ yếu, biến chủng Delta rải rác, do vậy chúng ta nên khuyến cáo tiêm mũi 4 cho những người có yếu tố nguy cơ, người già, có bệnh nền.
"Việc tiêm vắc xin mũi 5 phụ thuộc vào biến chủng nguy cơ xảy ra dịch nhiều hay ít thì chúng ta mới quyết định được chiến lược chủng ngừa ra sao, vắc xin phòng COVID-19 luôn thay đổi", Thạc sĩ Vân Anh chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, hiện tại Trung Quốc đang bùng dịch COVID-19, nguồn lây gần Việt Nam do giao lưu đi lại giữa hai nước, vì vậy phải chú ý các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ vắc xin tại Việt Nam cao, các vắc xin COVID-19 được sử dụng là vắc xin thế hệ mới, do vậy khả năng đáp ứng miễn dịch cao.
Ths. Vân Anh cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại những khu vực có dịch COVID-19 đang xảy ra, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, hiện nay không cần thống kê số ca nhiễm COVID-19 vì thực sự không cần thiết. Những trường hợp mắc COVID-19 đa số đều rất nhẹ vì tiêm ba mũi đã có đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể. Nếu tiêm mũi 5 phải có loại vắc xin chuyên dành cho biến chủng Omicron.
Theo báo cáo Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam đang tiến hành bảy nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19.
Dù chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin, nhưng Bộ Y tế cho hay có thể dựa trên kết quả nghiên cứu của thế giới. Hiệu quả của vắc xin sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt 86% (ở tháng thứ nhất sau tiêm).
Sau tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong từ 9-28%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 19/12 có 234 ca COVID-19 mới, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày, số mắc mới cao gấp 10 lần số khỏi. Sau 6 ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong, ngày 19/12 đã ghi nhận 1 trường hợp tại Bến Tre tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.523.161 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.450 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.610.290 trường hợp. Trong số hơn 850 trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 47 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 36 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 8 ca.