Cơ sở này cam kết bảo hành “ngực bao đẹp” 15 năm. Nhưng mới sau 1 tháng, người phụ nữ hoảng thấy bộ ngực trị giá trăm triệu bị biến dạng. Chị quay lại thẩm mỹ viện và được lý giải là vì "cơ địa".
- Người phụ nữ 52 tuổi nghiện tiêm filler suốt 20 năm: Sụt cân kinh hoàng, một bên mũi mục nát, phải đeo mũi giả vì không còn tiền tái tạo
- Người phụ nữ 68 tuổi tiêm filler trẻ hóa mắt tại nhà, một tháng sau gặp biến chứng, đi khám bác sĩ phát hiện chất tiêm vào là oxy già
Theo thông tin từ VietNamNet, chị Ngô Thị Ly (38 tuổi, Lâm Đồng, tên nhân vật đã thay đổi) biết đến Viện thẩm mỹ quốc tế Manhattan, 330-332 Cao Thắng, quận 10, TP.HCM qua các trang Facebook. Thấy quảng cáo hấp dẫn, tư vấn tận tình nên chị cho rằng đây là cơ sở lớn.
Vì mắc bệnh tim (hở van, thông liên nhĩ, giãn tâm thất, tăng áp phổi) nên chị Ly không dám phẫu thuật đặt túi ngực. Tuy nhiên, thẩm mỹ viện này khẳng định làm được “100% không biến chứng và ảnh hưởng sức khỏe”.
Tháng 12/2022, chị Ly quyết định đến cơ sở này chi tiền làm các dịch vụ: Gói nâng ngực bao đẹp (cấy tế bào tự thân) với chi phí 110 triệu đồng, enzym giảm mỡ bụng dưới giá 33 triệu đồng.
“Lần đầu tiên, nhân viên lấy 2 ống máu của tôi rồi nói đi nhân bản tế bào. Sau khoảng 1 tiếng họ quay lại với khoảng 12 ống xilanh có chất giống như gel màu vàng nhạt. Họ tiêm chất đó vào ngực tôi, trước đó có tiêm thuốc giảm đau, không gây tê, gây mê", chị Ly kể lại.
Cơ sở này cam kết bảo hành “ngực bao đẹp” 15 năm. Nhưng mới sau 1 tháng, chị Ly hốt hoảng thấy bộ ngực trị giá trăm triệu bị biến dạng. Chị quay lại thẩm mỹ viện và được lý giải là vì "cơ địa". Chị tiếp tục tiêm chất được gọi là tế bào gốc, thực hiện dịch vụ "cấy sợi liên kết" với số tiền 33,6 triệu đồng.
Đến tháng 9/2023, chị Ly "dặm" lại lần tiếp theo. Chị bị lấy 2 ống máu, thực hiện dịch vụ “treo sợi sa trễ” với số tiền 24 triệu đồng. Tổng chi phí làm đẹp đã lên đến 200 triệu đồng.
“Lần này ngực tôi đau suốt một tuần. Thẩm mỹ viện bảo tôi mua thêm thuốc uống. Sau nhiều ngày không giảm, họ yêu cầu tôi xuống TP.HCM để kiểm tra. Tôi không đồng ý mà sang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám, kết quả là tôi bị áp-xe ngực phải", chị kể.
Theo chị Ly, phía thẩm mỹ viện Manhattan đề nghị để "bác sĩ" của họ xử lý bên ngực phải đang sưng đau, đảm bảo an toàn và đơn giản.
“Người ta tiêm chất gì đó vào ngực phải rồi nặn mạnh, tôi nghe "ót ót" như có dịch chảy ra, họ lấy đồ để hứng nhưng không cho tôi nhìn. Tôi rất đau, ngực đỏ lên, thâm tím và nổi gân máu. Hai tuần sau tôi quay lại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tái khám trong tình trạng ngực trái sưng đau, viêm vú và nổi cục”, chị Ly kể.
Lúc này, chị mới khai rõ với bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM rằng đã làm ngực và xin tư vấn có nên để thẩm mỹ viện can thiệp như với ngực phải hay không. "Bác sĩ bảo tuyệt đối không vì lần này ngực trái đã nổi cục, không thể để họ nặn dịch mủ như trước”, chị kể.
Thế nhưng ở thẩm mỹ viện, chị Ly lại bị thuyết phục vì họ “cam đoan xử lý được, chỉ tiêm thuốc tăng đề kháng cho nhanh khỏi, không nặn dịch”. Người phụ nữ khẳng định ở trong phòng thủ thuật, chị bị tiêm một mũi tiêm không rõ loại rồi tiếp tục nặn dịch như lần đầu.
“Tôi khóc ngay trên bàn thủ thuật vì ức chế, đau đớn. Họ nói một đường làm một nẻo. Mẹ tôi không được vào phòng mà chỉ có tôi và người của thẩm mỹ viện. Sau rất nhiều lần xuống làm việc, tôi gặp một anh tự nhận là chủ mới của cơ sở, không giải quyết được sự việc. Tôi quá mệt mỏi vì tâm lý và sức khỏe bị ảnh hưởng mà không biết kêu ai, rất bế tắc", chị nói.
Theo thông tin từ Sức khỏe Đời sống, Ths. Bs Bùi Bạch Dương, nguyên Phó khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Bưu điện Cơ sở 2 đã chia sẻ: Theo nguyên tắc, không được bơm mỡ với khối lượng lớn vào cơ thể, bởi các tế bào mỡ có dạng hạt, chúng bị vỡ ra sau khi hút khỏi cơ thể, chất thu nhận được lúc này là huyết tương của tế bào mỡ có dạng giống như dầu, có độ đặc, sánh cao, khi tiêm vào sâu trong ngực - nơi có nhiều mạch máu lớn, chất này tạo kết dính, gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến tử vong.
Trên thế giới, một số chuyên gia thẩm mỹ vẫn sử dụng phương pháp này, nhưng họ chỉ bơm một lượng mỡ nhỏ, bơm rất nông xuống dưới lớp da ngực. Lý do là dưới lớp da ngực có ít mạch máu hoặc mạch máu nhỏ nên khả năng các chất kết dính khó chui được vào mạch máu gây nguy hiểm. Nhưng trong các tài liệu phẫu thuật thẩm mỹ, không có kỹ thuật tiêu chuẩn nào áp dụng cho việc thực hiện nâng ngực bằng mỡ tự thân.
Vào năm 1987, Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật ngực ( ASPS ) đã chỉ ra vì các tác dụng phụ: u cục dày đặc, u nang và vôi hóa nên đây là phương pháp bị cấm.