Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi ở TP.HCM: Nhiều trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh, diễn biến phức tạp

Tin y tế 17/06/2024 13:14

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) cảnh báo, sởi là bệnh truyền nhiễm, nguy cơ lây lan thành dịch nếu không được tiêm vắc xin đầy đủ.

Theo thông tin từ Thanh Niên, ngày 17/6, Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa chỉ đạo tất cả cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM đảm bảo công tác điều trị, dự phòng và giám sát bệnh sởi.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM đang ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi (tính từ đầu năm đến tuần đầu tháng 6/2024 là 15 ca).

Nhằm chủ động trong công tác điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch bệnh, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm. Dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận, điều trị người bệnh theo phân tuyến. Rà soát, cũng cố quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi ở TP.HCM: Nhiều trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh, diễn biến phức tạp - Ảnh 1
1 trường hợp trẻ nhập viện vì bệnh sởi - Ảnh: Thanh Niên

Đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh sởi kịp thời, đánh giá đúng tình trạng bệnh để phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi, đồng thời chỉ định nhập viện bệnh sởi theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Đối với các trường hợp người mắc bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, các đơn vị chủ động hội chẩn với tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của TP.HCM để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối để tiếp tục điều trị.

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp sốt phát ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện để xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân.

Cơ sở y tế chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh sởi tại đơn vị, tuân thủ các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và biện pháp phòng, chống bệnh sởi đối với tất cả người bệnh và thân nhân.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo HCDC tăng cường truyền thông và giám sát chặt diễn biến bệnh sởi trên địa bàn.

Ngành y tế kêu gọi và khuyến khích người dân tiêm vắc xin để chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi cho bản thân và gia đình. Khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế.

Dẫn tin từ Tiền Phong, theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, năm 2019 cả nước đã xảy ra đợt bùng phát dịch sởi. Theo chu kỳ trong thời gian 4 đến 5 năm, sởi sẽ lây lan thành dịch một lần nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong năm nay là rất cao. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, thành phố đã bị gián đoạn nhiều loại vắc xin trong đó có vắc xin ngừa bệnh sởi.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi ở TP.HCM: Nhiều trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh, diễn biến phức tạp - Ảnh 2
Trẻ dưới 24 tháng tuổi có nguy cơ mắc sởi cao - Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Hiện nay, vắc xin ngừa sởi đã được cung ứng, đủ đáp ứng nhu cầu tiêm ngừa cho trẻ trên toàn thành phố. Ngành y tế kêu gọi các gia đình có trẻ nhỏ đưa trẻ đi tiêm ngừa sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Trước tình hình dịch sởi có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế TPHCM đã ban hành kế hoạch tiêm bù vắc xin nhằm tăng tỷ lệ bao phủ phòng bệnh và giám sát phát hiện ca bệnh để khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, ngành y tế đang chủ động rà soát danh sách trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, mời trẻ chưa được tiêm sởi ra trạm y tế tiêm phòng, rà soát lịch sử tiêm chủng tại trường mầm non và khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi tiêm.

Vụ bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1: Phải khai quật tử thi, khám nghiệm để tìm nguyên nhân

Mẹ cháu bé mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân con mình tử vong sau khi tiêm vắc - xin.

TIN MỚI NHẤT