ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên xét công bố hết dịch COVID-19

Tin y tế 29/05/2023 12:33

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nên xét công bố hết dịch COVID-19. Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỉ lệ bệnh nặng, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định.

Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang được khắc phục

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình được khắc phục.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên xét công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày báo cáo

Khi dịch COVID-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nguy hiểm, nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch đã được triển khai thực hiện trong hoàn cảnh chưa có quy định của pháp luật hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, việc đánh giá, nhận định của Đoàn giám sát đặt trong diễn biến cụ thể của công tác phòng, chống dịch. Đồng thời với việc nhận định, đánh giá chung về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong điều kiện bình thường, Đoàn giám sát cũng nhận định, đánh giá về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trong bối cảnh dịch COVID-19 để có kiến nghị, đề xuất giải pháp phù hợp.

Về kết quả đạt được trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 01/2020 - 01/2023, Quốc hội đã ban hành 06 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch; Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, hàng trăm văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kỳ họp thứ nhất, trong đó quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19. Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc-xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hổ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến…

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch...

Nên xét công bố hết dịch COVID-19

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, nên xét công bố hết dịch COVID-19. Theo đạo đại biểu, Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỉ lệ bệnh nặng, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định.

Theo đó, dịch bệnh COVID-19 có thể được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên xét công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trải qua 3 năm chống dịch, cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội, chung tay chống dịch để có những việc tưởng như không thể mà đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt như việc thành lập Quỹ vaccine, tiêm vaccine diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19; hàng nghìn bệnh nhân nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi…

Bên cạnh đó, qua đại dịch cũng những bài học kinh nghiệm. Vì vậy, cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các dịch khác và có thể khả năng COVID-19 bùng phát trở lại.

Về y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân. Máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng. Cuối cùng là lãng phí rất lớn.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trạm y tế xã là có 2 nhiệm vụ dự phòng như là tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền và điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước.

Đặt câu hỏi, làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ Trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường.

Đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; cũng sẽ có buổi khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ….Đồng thời, giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế động viên họ để phát triển thế mạnh của mình. Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Khó để nộp 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương về Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID -19 Trung ương

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) bày tỏ thống nhất với các nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Nên xét công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 3
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)

Từ góc độ tham gia giám sát nội dung này tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, dịch COVID-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ…

Do vậy, theo đại biểu, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp. Ví dụ ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương chỉ ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine và sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về cho Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID- 19 của Trung ương và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và từng nội dung sử dụng. Phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt.

Tuy nhiên, qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm vừa rồi, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán cũng đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID -19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch.

Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch hiện chỉ còn ít cũng không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước. Đại biểu cho rằng, nhiều tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp khó khăn trong vấn đề này. Do vậy, đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này.

Đặc điểm của bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại Vũng Tàu

Gần đây, ghi nhận 2 ca bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều tra dịch tễ, bệnh nhân đang điều trị ung thư dạ dày.

TIN MỚI NHẤT