Người nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thường có những triệu chứng, diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn.
- Một người tử vong do H5N1 sau khi ăn gà chết: Hơn 50 con đã được chia cho hàng xóm
- NÓNG: Ghi nhận trường hợp mèo nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1
Theo thông tin từ Dân Trí, ngày 3/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả Covid-19.
Theo đó, bên cạnh việc ghi nhận số ca mắc các bệnh viêm hô hấp cấp tính tăng trên thế giới (rõ ràng nhất là tại Trung Quốc và TPHCM), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ trong tháng 12 vừa qua.
Song song với sự gia tăng số ca bệnh, thế giới cũng đã ghi nhận biến thể mới JN.1 của virus SARS-CoV-2 đang dần phổ biến ở nhiều nước, với tính lây truyền cao hơn. May mắn là hiện nay vẫn chưa có bằng chứng về sự tăng nặng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng của biến thể phụ này so với các biến thể khác.
Các chuyên gia dự đoán, tiêm vaccine, xét nghiệm phát hiện và thuốc điều trị Covid-19 vẫn có hiệu quả đối với biến thể JN.1. Dù vậy, việc xuất hiện JN.1 cho thấy virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng biến đổi và có thể thay đổi đặc tính về lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tác dụng của vaccine, thuốc điều trị cũng như xét nghiệm chẩn đoán virus.
Dẫn tin từ Tiền Phong, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm gia cầm H5N1 trên người đang xảy ra tại Campuchia, quốc gia có đường biên giới chung với các tỉnh phía Nam của nước ta. Tính đến hết năm 2023, Campuchia ghi nhận 6 trường hợp mắc H5N1, trong đó có 4 người tử vong. Cúm A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, lây từ động vật sang người, gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao (từ 50 - 60% số người mắc).
Trước tình hình cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở nước bạn, ngày 2/1 BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết: “Campuchia có giao thương với Việt Nam qua nhiều tỉnh, thành. Sự giao lưu giữa các đàn gia cầm có khả năng mang mầm bệnh là vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm bởi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan luôn ở mức cao”.
Theo BS Nga, người nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thường có những triệu chứng, diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Bệnh nhân có thể sốt cao liên tục trên 38 độ C, cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc, đau ngực, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm...
Cúm A/H5N1 diễn tiến nhanh, chỉ sau 12 giờ kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh có thể đã trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi, đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man. Bệnh cúm A/H5N1 có thể gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trước tình hình trên, BS Nga khuyến cáo, việc phòng bệnh của mỗi cá nhân là cần thiết để tránh nguy cơ nhiễm bệnh . Rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang luôn là phương án hiệu quả để phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm gia cầm.
BS Nga kêu gọi người dân không sử dụng gia cầm hoặc các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm, chết để chế biến làm món ăn. Người tiêu dùng cần phải lựa chọn nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Những người có triệu chứng nghi ngờ bị viêm hô hấp cấp tính cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, trẻ em...
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nói: “Sự giao thoa gia cầm, động vật, người và các loài chim di cư làm tăng khả năng lan truyền bệnh cúm giữa các loài và sự xuất hiện các chủng cúm mới. Thống kê cho thấy, trong vòng 20 năm qua đã xảy ra 3 vụ dịch do xuất hiện 3 chủng vi rút mới trên gia cầm gồm A/H1, H5, H7 gây ra”.
TS Thượng dự báo, trong năm 2024, cúm gia cầm sẽ là một trong những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ xuất hiện tại khu vực phía Nam. Trước tình hình trên, ngành y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động thực hiện các biện pháp giám sát người và động vật để tránh nguy cơ cúm gia cầm xâm nhập và lây lan trên diện rộng.