Đường hầm đặc biệt được xây dựng xuyên qua tuyến đường sầm uất để kết nối khu chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao với khoa cấp cứu và điều trị nội trú, giúp vận chuyển bệnh nhân và đi lại của y, bác sĩ giữa 2 khu điều trị được thuận tiện.
- Sức khỏe của 11 bệnh nhân trong tai nạn thương tâm tại Quảng Nam: Nhiều người được xuất viện, tình hình tiến triển tốt
- Nhắc nhở: Quy định về thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023, lưu ý khi thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh
Bệnh viện Nhân dân 115 (phường 12, quận 10, TP.HCM) toạ lạc ở vị trí đặc thù khi quần thể các toà nhà bị chia đôi bởi con đường Sư Vạn Hạnh sầm uất, thường xuyên bị kẹt xe nên việc vận chuyển bệnh nhân cũng như y, bác sĩ đi lại giữa các khu điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy mới đây, Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Nhân dân 115 (đối diện khu cấp cứu) đã được đưa vào hoạt động sau 7 năm xây dựng.
Việc khánh thành Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao cũng là lúc một đường hầm đặc biệt xuyên qua đường Sư Vạn Hạnh ra đời để kết nối với khoa cấp cứu và điều trị nội trú. Từ đó, giúp việc vận chuyển bệnh nhân cũng như việc đi lại của đội ngũ y, bác sĩ cũng như nhân viên bệnh viện được thuận tiện hơn, không còn cảnh phải chen giữa dòng xe cộ đang ùn tắc trên đường Sư Vạn Hạnh, giảm nguy cơ tai nạn.
Được khởi công từ tháng 7/2016, tòa nhà khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao gồm 10 tầng, có 2 tầng hầm riêng và đường hầm kết nối. Đặc biệt, tòa nhà có sân đáp trực thăng, hỗ trợ cấp cứu hàng không bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Công trình có tổng diện tích sàn xây dựng trên 19.000 m2, với số vốn đầu tư hơn 332 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Thành phố.
Theo Bệnh viện Nhân dân 115, khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của bệnh viện đi vào hoạt động sẽ là tòa nhà quản lý theo công nghệ 4.0, thực hiện triển khai kỹ thuật cao. Trong đó, có chuyên ngành y sinh học phân tử; điều trị gen; tế bào gốc; khám tầm soát chuyên sâu chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh lý thần kinh, tim mạch, ung thư, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đường Sư Vạn Hạnh chia đôi 2 khu điều trị gồm khu cấp cứu và điều trị nội trú với khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao. Đường hầm vận chuyển bệnh được xây dựng xuyên dưới mặt đường Sư Vạn Hạnh thay vì làm cầu vượt đi bộ như các bệnh viện khác ở TP.HCM
Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao gồm 10 tầng, có 2 tầng hầm riêng và đường hầm kết nối đặc biệt. Có đường hầm, việc đi lại trên đường Sư Vạn Hạnh của các y, bác sĩ sẽ giảm
Lối lên xuống đường hầm từ hai khu vực có 8 thang máy cùng thang bộ
Các y, bác sĩ vận chuyển giường bệnh từ khu cấp cứu qua khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao bằng đường hầm đặc biệt
Thang máy phục vụ việc vận chuyển cũng được thiết kế đặc biệt, đúng tiêu chuẩn trong việc vận chuyển giường bệnh, bệnh nhân
Đường hầm có độ sâu 6m, dài 64,7m, rộng 5m. Với chiều rộng này có thể vận chuyển giường được 2 chiều nhanh chóng và đảm bảo an toàn
Có đường hầm kết nối cũng giúp cho y, bác sĩ phản ứng nhanh trong cấp cứu hàng không khi trên sân thượng có bãi đáp trực thăng
Y, bác sĩ vận chuyển giường bệnh qua khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao bằng đường hầm đặc biệt được nhanh hơn trước đây
Đội ngũ y, bác sĩ cũng di chuyển thuận tiện, an toàn bằng đường hầm
Việc có đường hầm kết nối khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao được đưa vào hoạt động sẽ giúp cho bác sĩ điều trị những bệnh khó, cứu sống nhiều người bệnh hơn
Hệ thống điện được đảm bảo xuyên suốt đường hầm
Đường hầm đặc biệt của bệnh viện này còn có hệ thống thông gió giúp tạo không khí thông thoáng cho người di chuyển
Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đầu tiên ở TP.HCM có đường chuyển bệnh bằng đường hầm. Trong khi đó một số bệnh viện có cơ sở nằm hai bên đường như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 1, Bệnh viện Chợ Rẫy… khi chuyển bệnh thường phải băng qua đường hoặc đi cầu bộ hành.