Theo dự báo của nhiều chuyên gia, ở thị trường sơ cấp khó có sự giảm giá mạnh, trong thời gian tới có thể giá tăng nhưng mức tăng chậm hơn so với các năm trước.
- Thị trường bất động sản đã chạm đáy chưa?
- Dân đầu tư lướt sóng ôm hận vì chạy theo "ông lớn" bất động sản
Ghi nhận cho thấy, giá BĐS trên thị trường thứ cấp có hiện tượng giảm cục bộ ở một số loại hình, ngược lại giá sơ cấp (chủ đầu tư bán ra) vẫn đà tăng lên, chưa có dấu hiệu giảm giá hay đi ngang.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nhưng giá BĐS vẫn không giảm, là bởi nguồn cung thị trường từ năm 2019 đã giảm mạnh nhưng nhu cầu thị trường vẫn tăng.
Bước sang đầu năm 2020 xu hướng nguồn cung giảm do các dự án bị kẹt pháp lý, tuy nhiên, nhu cầu thị trường cao. Khi dịch bệnh bùng phát khiến các dự án không triển khai được do việc thực hiện giãn cách xã hội, ít dự án được mở bán. Nhưng nhu cầu nhà ở luôn cao nên các chủ đầu tư vẫn duy trì mức bán do mức hấp thụ cao.
Ngoài ra, mặt bằng chung về giá đất bình quân không giảm nên các chủ đầu tư phát triển dự án với các chi phí đầu vào không giảm thậm chí còn tăng thì khi đưa ra giá bán, xu hướng giảm là không thể.
Theo ông Kiệt, dịch bệnh kéo dài, nhưng một số dự án vẫn có mức độ hấp thụ cao. Một số đơn vị có khả năng bán hết căn hộ trong đợt mở bán đầu tiên khoảng 70%, nhu cầu cao đã thúc đẩy thị trường phát triển.
"Theo tôi, ở thị trường sơ cấp, khó có sự giảm giá mạnh, trong thời gian tới có thể giá tăng nhưng mức tăng chậm hơn so với các năm trước", ông Kiệt nhận định.
Khi được hỏi, liệu thị trường BĐS có thể gặp tình huống như năm 2007-2008 mức giá lao dốc hay không?, ông Kiệt cho rằng, nhìn lại thị trường thời điểm năm 2007-2008 bong bóng BĐS xảy ra ở thị trường thứ cấp. Giá bán được đẩy lên nhiều ở thị trường thứ cấp và đa số NĐT dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều.
Còn hiện tại, mức giá được quyết định bởi thị trường sơ cấp (các chủ đầu tư làm ra sản phẩm để bán). Ngay cả một số khu vực như Thủ Thiêm, giai đoạn 20015-1016 giá bán 2.800 USD-2900 USD/m2 đã cao nhưng nay đã tăng lên 6.000-7.000 USD/m2, xuất phát ở thị trường sơ cấp chứ không phải thứ cấp.
"Quay lại với câu chuyện có nên đợi thị trường lao dốc để có thể mua vào với giá tốt? Tôi nghĩ là không, ít nhất là trong 6 -12 tháng tới. Trên thị trường sơ cấp, giá bán có thể điều chỉnh đi ngang hoặc tăng nhẹ do các chủ đầu tư có áp lực buộc phải bán hàng nhanh", ông Kiệt nhận định.
Còn đối với thị trường thứ cấp, sẽ có xu hướng bán tháo đối với các nhà đầu tư lướt sóng. Nhưng tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số dự án và khu vực nhất định nhưng không nhiều. Đây là cơ hội tốt cho người mua để ở.
Nói về mức giá trên thị trường BĐS hiện nay, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng bộ phận R&D DKRA Vietnam nhận định, có 2 thái cực trái ngược nhau diễn ra trên thị trường nhà đất. Dịch Covid-19 lần 2, giá sơ cấp không những giảm mà còn tăng trong khi giá thứ cấp trong tháng 8 có sự sụt giảm nhiều so với các tháng trước đó.
Trên thị trường sơ cấp, ông Thắng cho biết giá bán của một số dự án giai đoạn tiếp theo tăng mạnh so với giai đoạn đầu.
Trả lời báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải phân biệt 2 loại hình BĐS là nhà ở và đất nền để thấy vì sao giá giảm và không giảm so với trước đây dù kinh tế khó khăn. Nếu căn hộ ở dự án mới mở bán thì khó giảm giá mạnh dù ở giai đoạn nào. Bởi chi phí xây dựng hiện nay vẫn cao, đặc biệt do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn nên các loại nguyên vật liệu đầu vào đắt đỏ.
Chi phí đầu tư, vốn và các loại chi phí khác rất cao nên chủ đầu tư khó lòng bán giá thấp, bởi nếu bán lỗ thà họ không bán. Hiện tại, chỉ có thể là một số phân khúc vùng sâu, vùng xa giảm nhẹ bằng hình thức khuyến mãi để hút khách; các dự án nghỉ dưỡng, dự án mới triển khai cần vốn… chủ đầu tư giảm so với ban đầu công bố.