Ở yên tại chỗ có thể cứu hàng triệu người - các bác sĩ đầu ngành tại Mỹ khẩn khoản. Nếu không, Mỹ sẽ phải chứng kiến hàng triệu thương vong vì đại dịch lần này.
- Mỹ có số người nhiễm Covid-19 vượt Trung Quốc, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới
- Người dân Italy hát quốc ca, cảm ơn QĐ Nga giúp đỡ chống đại dịch COVID-19
Mỹ ở thời điểm hiện tại vẫn đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, và tình hình vẫn đang diễn biến căng thẳng hơn mỗi ngày. Theo CNN đưa tin, số ca xác nhận dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Mỹ hiện tại đa là hơn 164.000 người, cao gấp đôi so với Trung Quốc đại lục - nơi khởi phát dịch bệnh, tổng cộng 81.500 người mắc bệnh.
Số người chết vì dịch bệnh tại Mỹ hiện cũng đã vượt 3000 - cụ thể là 3040 ca, và dự đoán có thể sẽ vượt qua Trung Quốc.
Được biết, số lượng thống kê trên bao gồm tất cả các trường hợp tại 50 tiểu bang, địa hạt Columbia và các lãnh thổ khác của Mỹ. Hawaii và Wyoming hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Các thống kê cho thấy, mỗi ngày số lượng người tử vong tăng lên lại cao hơn hôm trước. Ngày 30/3 (giờ địa phương, có hơn 500 người đã thiệt mạng, cao nhất kể từ khi dịch bệnh nổ ra tại quốc gia này. New York hiện tại là tâm dịch của cả nước với 66.497 ca dương tính và hơn 1200 người chết. Xét đến quy mô dân số toàn bang, tỉ lệ nhiễm bệnh là 342:100.000 cư dân.
Y tế Mỹ hỗn loạn
Rất nhiều y bác sĩ và công nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch Covid-19 đang cảm thấy kiệt quệ. Hàng trăm nhân viên khắp cả nước ngã bệnh, trong khi các bệnh viện rơi vào cảnh thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ.
"Chúng tôi từng bước rơi vào cảnh hỗn loạn," - một bác sĩ chấn thương tại Miami (Hoa Kỳ) cho biết. Nhiều đồng nghiệp của cô vốn làm việc dựa trên lý thuyết, nghiên cứu và thực hành đang không có định hướng, vì thiếu đi hướng dẫn quy chuẩn. Và khi điều trị xong cho bệnh nhân, họ lại tiếp tục quay trở lại trung tâm chăm sóc đặc biệt để tiếp tục công việc.
Tại một bệnh viện ở New York, nhân viên đang phải tái sử dụng những công cụ bảo hộ vốn chỉ dùng 1 lần - theo chia sẻ của một bác sĩ khoa gây mê. Khi máy thở không còn, họ phải sử dụng máy gây mê để thay thế.
"Mọi thứ đều không đủ," - vị bác sĩ cho biết. "Có quá nhiều bệnh nhân, và dường như việc đáp ứng nhu cầu là không tưởng."
Đáng chú ý, không chỉ có người già rơi vào tình trạng nghiêm trọng, mà ngày càng có nhiều người trẻ phải nhập viện điều trị sau khi nhiễm virus côrna. Tại bệnh viện Langone Brooklyn của ĐH New York, phổ tuổi của bệnh nhân phải sử dụng máy thở trải rộng từ 20 đến 90 - một y tá cấp cứu chia sẻ.
"Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều người trẻ tuổi phải vào khoa chăm sóc đặc biệt," - trích lời bác sĩ Rochelle Walensky, trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts.
"Vậy nên khi chúng tôi yêu cầu các bạn ở nhà thì làm ơn hãy ở nhà, vì chúng tôi không biết ai đang nhiễm bệnh đâu," - cô nói. "Chúng tôi không có cách nào biết được người trẻ nào sẽ nhiễm bệnh tiếp theo."
"Hạn chế tiếp xúc xã hội" - bài học đầy hiệu quả tại Washington
Social Distancing - Giãn cách xã hội, hay Hạn chế tiếp xúc xã hội - hiện tại đã được chứng minh là hiệu quả trong việc làm chậm khả năng lây lan của Covid-19 tại Washington.
"Chúng tôi đang chứng kiến việc giảm tiếp xúc giữa người với người đã giúp quá trình ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn, và sắp đến thời điểm mang lại hiệu ứng cực kỳ tích cực," - tiến sĩ Jeff Duchin, chuyên gia y tế công cộng tại Seattle và hạt King.
Nhóm nghiên cứu được tiến hành bởi Viện mô hình dịch bệnh Hoa Kỳ, đã xem xét dữ liệu do Sở Y tế bang Washington cung cấp. Kết quả cho thấy kể từ khi áp dụng "hạn chế cách ly xã hội", hệ số lây nhiễm đã giảm hẳn, từ 2,7 vào cuối tháng 2 còn 1,4 vào ngày 18/3 vừa rồi.
Ở yên tại chỗ có thể cứu hàng triệu người - các bác sĩ đầu ngành khẩn khoản
Những số liệu mới nhất về dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ đang rất báo động. Vậy nên theo ý kiến của 2 chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ, mọi người chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ "giãn cách xã hội" một cách nghiêm ngặt, và thậm chí là kéo dài thời gian thi hành lệnh này.
Hiện tại, hướng dẫn "hạn chế tiếp xúc" liên bang đã được gia tăng thời hạn đến cuối tháng 4/2020. Từ giờ cho đến thời điểm ấy, mọi công dân Mỹ cần hạn chế tụ tập trên 10 người, tránh di chuyển không cần thiết, và nên bỏ qua các cuộc hội họp tại nhà. Người gia thì tuyệt đối không nên ra ngoài.
Dẫu vậy "Tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi số người chết lên tới 100.000" - Anthony Fauci, Giám đốc viện truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho biết, ngay cả khi tiếp tục thi hành social distancing.
"Nó khá rõ ràng, nếu nhìn vào số liệu. Nếu chúng ta ngưng giãn cách quá sớm, thì không chỉ sinh mạng người dân, mà cả nền kinh tế lại tiếp tục chìm trong đau khổ," - ông nhận xét.
"Nghĩa là thiệt đơn hại kép. Vậy nên lúc này, không có lựa chọn nữa."
Bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên đội ứng phó với virus corona tại Nhà Trắng thì nhận xét, việc người Mỹ tuân thủ "giãn cách xã hội" ra sao có thể tạo ra sự khác biệt, nếu không muốn thấy hàng triệu người tử vong.
"Nếu làm tốt, chúng ta có thể giới hạn số người tử vong khoảng 100.000 - 200.000 người. Dù không mong cảnh này xảy ra, nhưng trong trường hợp xấu nhất, số người thiệt mạng có thể lên tới 2,2 triệu nếu chúng ta không làm gì."