Lần ấy tôi về quê, mẹ bận đi ăn cỗ cưới. Chưa đi được 15 phút mẹ đã về, tay xách một túi đồ toàn giò, thịt, tôm, chả rồi vui mừng đưa cho tôi.
- Tôi hiện tại 37 tuổi nhưng vẫn không muốn kết hôn vì bị ám ảnh nỗi đau trong quá khứ
- Mẹ chồng oái ăm đòi ngủ cùng giường với vợ chồng tôi và cái kết bất ngờ cho bà ấy
Gần đây, đọc những bài viết về chủ đề “ăn cỗ lấy phần”, tự nhiên tôi khựng lại. Kỉ niệm về một thời trẻ dại của mình ùa về trong phút chốc khiến sống mũi tôi cay cay.
Bây giờ, tuổi đã tứ tuần nhưng tôi vẫn không quên được câu chuyện của những năm tháng sinh viên. Ấy là thời tôi còn học đại học, đôi tháng mới bắt xe khách về thăm nhà một lần. Thấy con về, bố tôi mừng rơi nước mắt.
Xa con, nhớ con nên bố mẹ nào cũng dốc tiền mua đồ ăn ngon để đôi ba ngày con ở nhà, mâm cơm luôn thịnh soạn. Nhưng gia đình tôi nghèo, cơm thịnh soạn nhà tôi chắc cũng chỉ được như mâm cơm hàng ngày nhà người khác.
Tôi không trách bố mẹ bởi tôi cũng không thích ăn thịt thà nhiều. Những bữa cơm canh cua, rau muống luộc chấm mắm, tôm đồng rang lại khiến tôi thích thú.
Nhớ lần ấy tôi về quê, mẹ bận đi ăn cỗ cưới. Chưa đi được 15 phút mẹ đã về, tay xách một túi đồ toàn giò, thịt, tôm, chả... rồi vui mừng đưa cho tôi. Mẹ bảo: "Hôm nay nhà mình có cỗ ngon rồi".
Tôi nhìn mẹ có chút ái ngại. Tôi không thích mẹ đi lấy phần mang về cho mình. Một là tôi sợ người khác nghĩ gia đình mình nghèo khó, bữa cơm ngon phải nhờ đến cỗ nhà người ta. Hai là tôi vốn cho rằng việc đi ăn cỗ lấy phần là không hay, nhìn bôi nhếch.
Ra ngoài đi học, tôi lại được tiếp xúc với nhiều kiểu người, được học cái gọi là “văn minh” của xã hội. Nên tôi muốn mẹ mình đi ăn cỗ thì ăn xong rồi về, không xách theo đồ để “văn minh” hơn. Hơn cả, tôi cũng đâu có than vãn những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau mắm?
Tôi phản ứng mẹ bằng việc không gắp bất cứ món nào mẹ mang về. Cả bữa cơm, mặt tôi cau có. Tôi còn nhắc đi nhắc lại câu nói để lần sau mẹ không bao giờ lấy phần về nhà nữa: “Người ta thích mang thì để người ta mang về hết”.
Nhìn mẹ buồn, tôi cũng hạ giọng, đi vào trong buồng nằm. Cả ngày hôm đó hai mẹ con không nói với nhau câu nào.
Buổi chiều tối, tôi ngủ dậy đi xuống bếp, định bụng sắp cơm giúp mẹ. Nhưng đứng từ xa, tôi khựng lại. Mẹ đang ngồi trong bếp, ăn vội những thức ăn mang từ đám cưới về. Nhìn mẹ vừa ăn vừa ho, tự nhiên trong lòng tôi thấy xót xa. Có phải tôi đã quá lời với mẹ, có phải tôi chỉ biết nghĩ cho mình mà không hiểu cho tấm lòng của người làm mẹ? Nước mắt tôi trào ra không sao kìm được.
Tối đó, cơm canh vẫn rất ngọt nhưng lòng tôi chát đắng. Mẹ cố gắng chuẩn bị những món tôi thích còn mẹ chỉ ngồi húp bát canh. Tôi hỏi mẹ sao không ăn cơm thì mẹ trả lời: “Hôm nay mẹ hơi đầy bụng”. Câu nói dối của mẹ càng khiến tôi thấy mình thật vô tâm.
Sau bữa ấy, mọi chuyện cũng qua đi...
Sau này, khi tôi ra trường, đi làm, được nghe bạn bè nói về phong tục quê hương họ, tôi cũng dần hiểu, đó là thói quen, là tục lệ vùng miền. Có thể, nhiều người nghĩ việc ăn cỗ lấy phần là không tốt, không nên nhưng đối với những người gắn bó ở quê lâu, họ lại rất vô tư với việc đó.
Gần 40 tuổi, cuộc sống của tôi khá giả hơn nhiều. Bố mẹ tôi cũng không còn phải vất vả lo chạy ăn từng bữa nữa. Tôi đã vun vén cho bố mẹ một cuộc sống tốt hơn về vật chất, lo nhà cửa khang trang cho ông bà. Mỗi lần về quê, thấy mẹ đi ăn cỗ, tôi lại nói với ra: “Mẹ ơi, nhớ lấy phần cho cháu ngoại khoanh giò, miếng thịt gà mẹ nhé”.
Mẹ quay lại nhìn tôi cười hiền, gật đầu tâm đắc….