"Con giun xéo lắm cũng quằn", sau nhiều lần bị mẹ chồng đem ra so sánh với dâu thứ, Loan quyết định vùng lên cho bà 1 bài học.
- Giận chồng nên bỏ về nhà mẹ đẻ nhưng mãi không ngủ được, tôi đành trở về và choáng váng đến lặng tim khi thấy chị hàng xóm vẫn trong phòng mình
- Va phải người phụ nữ trong thang máy khiến chiếc bánh sinh nhật rơi vỡ, tôi chưa kịp mắng thì á khẩu khi thấy cảnh tượng trước mặt
Nhà bà Trương có 2 nàng dâu, đó là Loan (dâu trưởng) và My (dâu thứ). Hoàn cảnh của 2 cô gái này rất khác nhau.
Trong khi Loan có xuất thân nghèo khó, chỉ học hết lớp 12 là đã phải ở nhà đi làm, phụ bố mẹ nuôi các em ăn học, thì nhà My lại có điều kiện hơn hẳn. Bố mẹ My làm kinh doanh, tiền lãi kiếm về không hề nhỏ. Thành ra, My được cho ăn học đàng hoàng, cô tốt nghiệp 1 trường đại học có danh tiếng ở Hà Nội.
Tất nhiên, mẹ chồng vẫn ưng My hơn hẳn. Vì đây là con dâu do đích thân bà chọn cho con trai, chứ không phải như Loan, vì cô lỡ có bầu nên bà Trương đành "nhắm mắt" cho cưới. Vì tình cảm dành cho 2 nàng dâu khác nhau, nên mẹ chồng có sự thiên vị lộ liễu. Nếu như Loan phải đảm nhận hết mọi việc trong nhà, đã thế việc trong họ cô cũng phải chu toàn để cho ra dáng dâu trưởng thì My chỉ việc đi làm, tối về đã có người dọn cơm sẵn trên bàn. Quần áo không phải giặt, đến cái bát ăn cơm xong cô cũng không phải đụng tay.
Ấy thế nhưng mẹ chồng vẫn bênh dâu thứ chằm chặp. Bà luôn miệng so sánh 2 nàng dâu. Lúc nào bà Trương cũng đề cao My được ăn học đàng hoàng, làm rạng danh dòng họ, đi đâu bà cũng "mát mày mát mặt" chứ không như Loan. Mẹ chồng chỉ muốn giấu nhẹm cô ở nhà, không dám khoe ai.
Thứ 7 tuần trước trong họ có giỗ cụ tổ. Cũng như mọi lần, Loan là người lo toan hết tất cả. Cô dậy từ sớm đi chợ, về nhà lại xắn tay áo, tất bật vào bếp làm cỗ. 8 mâm cơm, một mình Loan xoay xở.
Đến trưa, khi mâm cỗ đầy đặn được dọn lên, các cô các bác trong họ khen Loan khéo tay thì mẹ chồng bĩu môi: "Mấy cái mâm cỗ này có gì đâu mà to tát. Mang chức dâu trưởng thì phải làm cho ra dáng là đúng rồi. Chứ không, tôi đã tống về mẹ đẻ dạy lại. Thôi mọi người ăn cơm đi không nguội".
Loan bực lắm. Cô hì hục cả buổi làm cơm, ai ngờ mẹ chồng gạt phắt công lao đi như vậy. Nhưng thôi, cô không chấp. Loan nhín nhịn để dĩ hòa vi quý, mọi người ăn uống cho ngon miệng.
Đến cuối bữa, Loan lại lúi húi đi rửa 8 mâm bát. Có mấy cô cũng xúm vào dọn hộ. Dâu thứ thì lấy cớ cho con ăn cơm nên không dọn được.
Khi Loan vừa lau khô tay bước lên nhà, đã nghe thấy tiếng mẹ chồng kể xấu mình: "Giá nhà tôi có 2 đứa con dâu như cái My thì phúc đức quá. Mấy cô, mấy thím xem, cái My mua hoa quả thắp hương cho ông toàn đồ xịn. Chứ như con Loan thì quanh năm tứ đời chỉ ăn hàng chợ. Các cụ cũng chẳng bao giờ biết đến hương vị của hàng ngoại".
Có bác nói đỡ cho Loan: "Thím nói thế không sợ con Loan nó buồn hay sao. Tôi thì chỉ mong con trai mình cưới được đứa như nó mà không được đấy. Thím tham vừa thôi. Có mấy ai được như nhà thím. Kêu nhiều người ta cười cho chứ không tốt đẹp gì đâu".
Mẹ chồng vừa tóp tép nhai trầu, vừa hất hàm đáp lại: "Ôi dồi, để tôi được chọn con dâu á, có mà tốt hơn mấy lần cái Loan ấy. Nhà mình mấy đời đều học cao, mỗi nó là đứa ít học. Tôi cứ thấy nhục nhã cho dòng họ. Đi đâu mọi người hỏi con dâu làm gì, tôi chẳng dám giới thiệu là nó bán cá tanh tưởi ngoài chợ đâu. Ngại lắm".
Bấy giờ Loan bước vào, ngồi giữa nhà rồi nhẹ nhàng đáp lại: "Vâng, mẹ chồng cháu nói đúng đấy ạ. Cháu ít học nên mới không biết chọn chồng, chọn gia đình chồng. Đấy, mang tiếng chồng cháu học cao, học siêu, nhưng gần 1 năm nay ở nhà ăn bám vợ. Chứ cháu ăn học đàng hoàng, lúc đó được "cành cao cành thấp", chồng cháu lại chẳng bao giờ lọt "mắt xanh". Có khi cháu lại được giống em My, thong dong nhàn dỗi. Đi lấy chồng mà không biết cái gian bếp nhà chồng to nhỏ thế nào, cái chổi nhà chồng nằm ở đâu.
Trước cháu cứ nghĩ, thôi thì mình học ít cũng được nhưng biết điều, hiếu thảo với bề trên, cố gắng kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng con cái nên người là được. Nhưng chắc đó chỉ là suy nghĩ của kẻ ít học thôi. Chứ có tấm bằng đại học rồi nợ đầm đìa, chỉ thiếu nước bọn nợ chưa đến nhà đòi, vẫn được coi trọng hơn nhiều.
Đã vậy từ nay cháu xin nhường lại chức dâu cả này cho em My. Mẹ con cháu về ngoại sống cũng được. Hơn năm nay, cháu tự mình nuôi con cũng quen rồi. Về ngoại, mẹ con có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đỡ phải gồng gánh những trách nhiệm đáng nhẽ chẳng thuộc về mình, có khi lại thấy thoải mái, dễ sống. Mẹ và mọi người thấy sao ạ?".
Câu nói giận dỗi của Loan lại khiến mẹ chồng luống cuống, xấu hổ. Bà chột dạ nhớ lại tháng trước có vay tiền Loan để trả nợ cho trai thứ. Bây giờ Loan mà đòi số tiền ấy, bà không có để trả. Mà Loan đòi về nhà ngoại, bà lại càng hoảng. Để cô về thì mọi chuyện trong nhà ai lo?
Bấy giờ mẹ chồng mới lên tiếng cãi ngang: "Đấy là tao bảo giá như mày học hành tử tế chút nữa thì tốt hơn, chứ có bảo mày không tốt đâu mà chưa gì đã...".
Mọi người trong họ cũng khuyên Loan nên bình tĩnh, đừng để nóng giận mất khôn. Loan không nói gì, lẳng lặng xin phép lên tầng nằm vì mệt. Từ hôm đó đến nay, cô thấy thái độ của mẹ chồng đối với mình khác hẳn. Bà không còn dùng những lời lẽ trịch thượng đối đáp với cô nữa. Loan nghĩ, biết thế cô nên vùng lên từ lâu rồi.