Gửi con dâu: Nếu mẹ có khắt khe mong con đừng giận

Tâm sự gia đình 22/10/2017 08:47

Đây là lá thư đẫm nước mắt của một người mẹ chồng gửi con dâu kể lại những gì kinh khủng nhất mà bà đã trải qua trong đời.

Cho đến giờ phút này, mẹ cũng chưa một lần gọi con là con, chưa một lần hỏi con được một câu: Con có mệt không, có cần giúp gì không mẹ phụ cho? Mẹ chỉ có hai từ dành cho con: tôi và chị hoặc nói trống không.

Chắc hẳn, trong lòng con cũng có lúc buồn và giận mẹ lắm. Nhưng cuộc đời của mẹ thật sự có nhiều điều khó nói. Một lúc nào đó rồi con cũng sẽ hiểu ra, mẹ cu Bin ạ!

Về làm dâu mẹ gần ba năm rồi nhưng có lẽ con cũng chưa thể nào rõ hết về cuộc đời lam lũ cực khổ mà mẹ đã đi qua suốt mấy chục năm qua.

Chiến tranh như một định mệnh tàn ác, một quả bom đã dội xuống căn nhà của mẹ. Khi ấy mẹ mới bốn tuổi. Mẹ được một người hàng xóm dẫn đi chơi đúng vào lúc quả bom ấy rơi xuống nhà mình. Mẹ thành đứa trẻ mồ côi từ ấy. Có lúc, mẹ đi lang thang tản cư cùng bà con khắp nơi. Tuổi thơ non nớt và một trí nhớ mơ hồ, mẹ không còn nhớ quê hương của mình ở đâu nữa.

Mẹ lưu lạc lên tận Thái Nguyên chăn bò. Làm con ở, trông em cho một gia đình giàu. Người ta bắt mẹ phải ăn cơm chó, đánh mẹ túi bụi mỗi khi buồn ngủ gục xuống bên đứa bé con của họ. Quanh năm suốt tháng, trên thân thể của một đứa bé gái mười tuổi là những vết bầm tím của đòn roi. Cuộc sống của nó chỉ nghe được những lời mắng nhiếc, rủa xả. Người ta gọi mẹ là đứa trẻ mồ hôi, độc ác hơn họ nói mẹ là đồ con hoang, đồ không cha không mẹ.

Một lần đi chăn bò, mẹ làm lạc mất con bò nhà họ. Cả chiều mẹ chạy đi tìm bò quanh quả đồi rộng mênh mông. Trời tối mịt, mẹ chẳng thấy bò đâu. Nếu về nhà chủ, thế nào mẹ cũng bị ăn đòn đến chết. Sợ hãi và hoảng loạn, mẹ bỏ trốn đi xuống Hà Nội. Một gia đình tử tế đã tìm thấy mẹ ngất xỉu vì đói bên chợ vào một ngày mưa. Người ta thương tình đưa mẹ về nhà làm con gái nuôi, của sáu đứa em lít nhít phía sau.

Năm mười sáu tuổi, mẹ đi lấy chồng. Họ gả cho mẹ một người đàn ông con nhà khá giả bên cạnh. Người ấy là bố của chồng con bây giờ đấy. Nhưng định mệnh nghiệt ngã, khi chồng con mới lên một tuổi, thì chồng mẹ bị một cơn sốt rét và ra đi mãi mãi.

Gửi con dâu: Nếu mẹ có khắt khe mong con đừng giận - Ảnh 1
Âm thầm yêu thương con dâu dù chẳng bao giờ nói ra là cách mà nhiều mẹ chồng vẫn làm - Ảnh: Internet

Mẹ thành người đàn bà góa chồng từ đó còn chồng con mới một tuổi đã mồ côi cha. Hai mẹ con mẹ từ ấy bên nhau mà chèo chống, bươn chải với đời cho tới ngày hôm nay. Thêm một lần nữa, mẹ lại mang vác chồng con cùng hàng trăm thứ đồ lỉnh kỉnh linh tinh vào Sài Gòn tìm đất sống. Cuộc sống khốn khổ của hai mẹ con nơi xứ người những năm tháng đầu sao mà cơ cực đến thế. Suốt mười năm dài, ngày nào mẹ cũng gánh trên đôi vai chiếc đòn gánh bạc thếch, hai đầu là hai sọt trái cây, quày quả lên đò xuống đò từ quận 8 qua quận 5 để buôn bán.

Mẹ mua đầu chợ bán cuối chợ. Cái gì mua được bán được mẹ cũng làm. Mười năm trời hầu như mỗi ngày mẹ chỉ ngủ có ba tiếng đồng hồ. Nhưng mẹ nhớ có lẽ mình không khóc nổi hoặc không còn có thể khóc được nữa. Vì mẹ biết mẹ sẽ chẳng có người đàn ông nào ở bên để che chở cho mẹ, để lau nước mắt cho mẹ. Chồng con thì quá bé dại, mẹ muốn nó có một tuổi thơ vui vẻ, đủ đầy như chúng bạn.

Sài Gòn mà, con biết không? Hở ra là tiền, mở mắt ra là phải lao đi kiếm tiền mới mong tồn tại. Chồng con hầu như chưa bao giờ dám xin mẹ một chuyến đi chơi cùng bạn bè. Có lần, vì muốn mẹ có một chiếc áo mới trong ngày họp phụ huynh của con trai mà mẹ đã đánh nó. Nó khóc rồi mẹ cũng khóc. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Nó khóc không phải vì bị mẹ đánh. Mẹ khóc cũng không phải vì tức nó mà vì xót xa. Đó có lẽ là lần đầu tiên sau rất nhiều năm mẹ đã khóc như thế, con dâu ạ.

Nhưng ông trời có mắt. Sau gần ba mươi năm mẹ làm việc vất vả nơi xứ người, cuối cùng chồng con cũng học hành thành tài và đỗ đạt. Nó được bổ nhiệm quyền giám đốc cho một công ty lớn của nhà nước. Trong ngày vui, giữa những lời chúc mừng, chồng con đã chạy về nhà ôm chầm lấy mẹ và reo lên: Mẹ ơi con làm được rồi. Nhưng mẹ đã nghiêm khắc và cố tình tỏ ra lạnh lùng: Có nhiều người họ làm được như con và tốt hơn cả con. Mẹ thấy đó là một việc hoàn toàn bình thường.

Con dâu ạ, những câu chuyện dài dòng của đời mẹ, mẹ kể với con để con hiểu rằng, mẹ đã luôn cố gắng rất nhiều. Bởi vì cuộc sống nó dạy cho mình phải như thế. Phải luôn bật trở lại khi cảm thấy bị chối từ. Luôn luôn đương đầu, luôn luôn cam chịu có lẽ là lẽ sống của mẹ. Ngần ấy năm, mẹ đã quen ăn đói mặc rách, quen ăn một bữa ngày hôm nay thì để dành ba, bốn bữa cho ngày sau. Nhiều khi chồng con đã cáu với mẹ, nó nói mẹ giữ làm gì, đời sống được bao lâu. Lúc ấy mẹ thấy trong ánh mắt của con nữa, như lóe lên sự đồng cảm khó nói giống như chồng con.

Ngày chồng con dắt con về nhà giới thiệu với mẹ. Nhìn con mỏng manh, trắng trẻo, đúng kiểu dáng của một cô công chúa con nhà giàu có. Con lại là con một nữa, lòng mẹ sao trăm bề lo lắng. Con trai của mẹ quen lớn lên trong cực khổ mà con thì lại sinh ra trong nhung lụa. Mẹ chỉ có một mình nó. Nhìn con mẹ lại sợ sẽ mất đi đứa con duy nhất của mình. Đời mẹ đã côi cút từ tấm bé, không cha mẹ tự mọc lên giữa chợ đời trăm ngàn vây bủa khó khăn. Mẹ chỉ thầm cầu trời cho con trai của mẹ tìm được một nàng dâu giống như mẹ, nếu như nó côi cút càng tốt. Vì như vậy nó sẽ hiểu được những gì mà mẹ đã trải qua, sẽ yêu thương mẹ và không nỡ lòng cướp đi đứa con trai mà mẹ yêu thương.

Những ngày con về làm dâu mẹ. Hầu như mẹ không chỉ dạy cho con điều gì. Mẹ lạnh lùng đến khô khan, mẹ chỉ quen nói với con những lời như ra lệnh: nấu cơm đi, đi chợ đi, ủi đồ cho chồng đi, tắm cho cu Bin đi... Nếu con làm không như ý mẹ (nhiều khi con làm rất tốt) nhưng mẹ vẫn cáu lên, mẹ nhìn con ráo hoảnh, phán xanh rờn: Cơm gì mà khô như ngói ai nuốt được (dù mẹ ăn thấy rất bình thường), có cái áo thôi mà ủi từ mùa thu sang mùa đông không xong (dù con chỉ làm có 5 phút áo đã phẳng phiu), nhìn cu Bin mà xót ruột, một tuổi mà chỉ nặng có 12 kg (dù mẹ biết như thế nó vẫn nặng hơn con nhà hàng xóm cùng tháng những 3 kg). Mỗi lần mẹ như vậy, con chẳng bao giờ trả treo, chẳng bao giờ cau mặt nhíu mày. Con chỉ ngoan ngoãn trả lời vâng dạ hoặc: “lần sau con sẽ làm tốt hơn”.

Con khiến mẹ kinh ngạc vì hầu như tất cả mọi việc trong nhà của mẹ, con đều làm rất tốt. Con nấu được hầu như các món ăn của miền Bắc mà mẹ thích. Lâu lâu, con còn nấu những món Nam Bộ mà hầu như mẹ ít khi ăn, nay ăn lại thấy ngon sao là ngon. Mẹ cũng chưa bao giờ nghe con hỗn hào với con trai mẹ một câu một dòng nào, dù khi mẹ giả vờ đi vắng rồi lại quay về ngay. Mẹ cài con vào đủ mọi tình thế oái oăm, để xem con sẽ đối xử với mẹ như thế nào, con có vì thế mà “lòi cái đuôi hồ ly” ra với mẹ hay không. Tuyệt nhiên không. Con vẫn là một người phụ nữ Sài Gòn dịu dàng, nhẫn nhịn và giản dị vô cùng.

Mẹ thầm cảm ơn ba mẹ con đã sinh cho con trai mẹ một người vợ hiền lành, hoàn hảo, đã tặng cho mẹ một nàng dâu hiếu thảo.

Nhưng mẹ vẫn chưa một lần nào nói cảm ơn con.

Cũng như ngày con sinh cu Bin, mẹ chỉ qua loa thăm hỏi và bỏ mặc con thức đêm thức hôm với thằng bé quấy khóc. Giống như ngày xưa mẹ chồng mẹ đã làm thế với mẹ.

Những gì không phải mẹ cố ý đối với con, chỉ mong con trở thành người mẹ kiên cường mạnh mẽ cho cu Bin sau này nương nhờ. Cũng như mẹ muốn nhìn thấy con sẽ là điểm tựa lớn lao nhất cho con trai của mẹ khi một ngày nào đó mẹ không còn trên đời này nữa. Thì lúc đó con sẽ thay thế mẹ mà chăm lo và yêu thương chồng con. Nếu mẹ có khắt khe với con, cũng chỉ là phép thử để con trở nên là một người mẹ người vợ hoàn hảo. Tự đáy lòng mình, dù chắng bao giờ mẹ nói ra với con hay với chồng con nhưng mỗi khi có ai đó hỏi về con, mẹ luôn tự hào mà nói với họ rằng: Tôi có một người con dâu tuyệt vời.

Mẹ vẫn từng ước và từng thèm có một đứa con gái để gần gũi bên mình mỗi ngày. Nhưng trời chỉ cho mẹ mỗi chồng con thôi. Vậy mà từ ngày có con xuất hiện trong ngôi nhà của mẹ thì mẹ không còn thấy thiếu vắng cô đơn nữa. Con biết không, con dâu của mẹ, nhiều khi mẹ còn nghĩ con là đứa con gái kiếp nào đó đi lạc mà kiếp này ông trời đã khéo se duyên cho con có mặt trong cuộc sống của mẹ.

Mẹ nhất định sẽ nói với con một ngày không xa là mẹ yêu con và mẹ cảm ơn con, con dâu của mẹ ạ!

Tận mắt trông thấy mẹ chồng vào nhà nghỉ, con dâu rơi nước mắt khi biết sự thật phía sau

Ngọc cũng rất kính trọng mẹ chồng và luôn coi bà như một tấm gương để mình học hỏi. Vậy mà những hình ảnh trước nhà nghỉ lúc nãy đã làm cô choáng váng...

TIN MỚI NHẤT