Khẩu ngữ Việt Nam có câu “mỡ để miệng mèo”, nghĩa là “có của qúy giá mà để hớ hênh trước kẻ thèm khát”. Và không biết từ bao giờ câu nói này đã được cánh đàn ông “lái” sang chuyện tình dục. Họ cho rằng, bất kỳ người đàn ông nào cũng khó có thể cưỡng lại được trước sự gạ tình của phụ nữ. Quan niệm này đúng hay sai?
Từ chối gạ tình, đàn ông bị liệt vào… “sách đỏ”
Trong các cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu, cánh đàn ông khi đề cập đến vấn đề tình dục thường nói rằng, “mỡ để miệng mèo mà mèo chê thì thật quá uổng phí”.
Có chuyện một anh nhân viên trẻ bị chị giám đốc xinh đẹp tấn công nhưng anh từ chối, câu chuyện được chia sẻ và thật bất ngờ là đa số ý kiến của đàn ông cho rằng anh này về mặt sinh lý không bình thường. Họ lý luận rằng, có đến 99% đàn ông không thể cưỡng được dục vọng trước sự mời chào của cơ thể người phụ nữ. Bởi vậy hành vi của anh nhân viên này được liệt vào hạng “sách đỏ” hiếm hoi.
Có người đàn ông còn lập luận rằng, trong hoàn cảnh “thiên thời địa lợi” và bị sếp nữ chủ động gạ tình thế, “tôi sẵn sàng bỏ qua tất cả tình yêu, danh dự của một thằng đàn ông mà quấn lấy chị giám đốc xinh đẹp, học cao và khát khao tình cảm kia để “mây mưa” vì chả tội gì mà từ chối. Tôi cũng chẳng lo sợ sau khi “xong cuộc”, bởi vì sau khi no xôi chán chè xong, tôi sẽ truất ngựa truy phong mà chẳng hề vướng bận điều gì cả. Tôi không là người xấu vì tôi không gạ tình chị ta. Chỉ là chị ta tự dễ dãi, phóng túng với chính bản thân mình. Nếu “ngoảnh mặt làm ngơ” với một phụ nữ như thế, họ cũng sẽ chẳng bao giờ nể trọng mình hơn…”(?).
Tương tự là câu chuyện về một phượt thủ có tên DH ở Vĩnh Phúc bị tố rủ rê hàng loạt phượt thủ nữ trên mạng xã hội cách đây không lâu. Sau khi bị tố, DH đã lên mạng livestream trần tình, giải thích về sự việc. Điều đáng nói là sau khi giải thích, phân bua một hồi, kết thúc đoạn livestream, DH tuyên bố một câu: “Lúc bị các nữ phượt thủ rủ rê lên giường, thú thật làm sao tôi cưỡng lại được vì tôi cũng là đàn ông mà, không phải thái giám”.
Nếu nói về dục vọng, phụ nữ còn lớn hơn đàn ông gấp bội
Cách nghĩ “đàn ông khó cưỡng khi bị phụ nữ gạ tình”, hay “mỡ để miệng mèo, mèo không ăn thì phí”, hay “tôi không phải là thái giám” là khá phổ biến trong suy nghĩ của nam giới. Trong khi chị em luôn mong chờ sự chung thủy của người đàn ông thì cách nghĩ này chính là sự “đi ngược lại” những mong chờ khao khát của phụ nữ về một người đàn ông lý tưởng của mình. Bởi ý nghĩ này đồng nghĩa với việc, người đàn ông sẵn sàng có quan hệ tình dục với bất cứ người phụ nữ nào, kể cả khi bản thân họ không có tình yêu với người phụ nữ đó.
Việc người đàn ông dễ sa ngã khi “bị” người phụ nữ “gạ tình” là có thật. Nhưng điều đó không có nghĩa nó là bản chất đặc biệt của đàn ông, là chân lý bất di bất dịch không thể thay đổi.
Thực tế chuyện tình dục ở đàn ông hay phụ nữ không khác nhau là mấy khi quy về bản chất. Khi ví đàn ông như “con mèo”, còn người phụ nữ như “miếng mỡ”-điều này đúng ở chỗ đàn ông luôn thèm khát phụ nữ và phụ nữ luôn là thứ hấp dẫn đàn ông. Nhưng chưa đúng ở chỗ là điều đó chỉ đề cập được một vế. Đàn ông khao khát phụ nữ như thèm khát miếng ăn ngon. Còn phụ nữ khao khát đàn ông như nắng hạn khao khát mưa giông. Và nếu đo về mức độ thì sự khao khát tình dục (tình yêu thương và bản năng sinh dục) ở phụ nữ sẽ lớn lao hơn đàn ông rất nhiều.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCSHCM) cho rằng, quan niệm “đàn ông khó cưỡng khi phụ nữ gạ tình”, hay “mỡ để miệng mèo, mèo chê thì quá uổng”…thực chất là sự bao biện, cổ vũ cho đàn ông được phép hành động theo bản năng. Thực chất đây là một sự “ưu ái” của thái độ xã hội đối với đàn ông chứ không phải là chân lý, là sự thật.
Bởi, nếu là bản năng thì ngay cả phụ nữ, nếu chiều theo dục vọng thì khi một người đàn ông gạ gẫm mơn trớn, về mặt sinh lý họ cũng sẽ xuất hiện sự ham muốn quan hệ tình dục. Nhưng tại sao phụ nữ phải kiềm chế nhu cầu đó?
Trong khi “thái độ xã hội” cho phép nam giới được hành động theo bản năng như cách “mỡ để miệng mèo”… thì phụ nữ lại phải phải kiềm chế bản năng đó. Bởi chính “thái độ xã hội” cho việc hành động theo bản năng sinh dục ở người phụ nữ là “lăng loàn”, là “lẳng lơ”, là “đĩ thõa”. Đó thực chất là những quy phạm đạo đức xã hội cần thiết để buộc người phụ nữ chung thủy với chồng. Còn thực chất về mặt sinh lý thì khi có sự đụng chạm cơ thể, có sự gợi tình thì không chỉ nam mà cả nữ cũng sẽ xuất hiện hứng thú tình dục.
Khi nam giới cho rằng, “mỡ để miệng mèo không ăn thì phí” nó có lý ở chỗ là sinh lý và dục vọng con người là như vậy, điều này đúng ở chỗ đó. Nhưng sai là ở chỗ không chỉ đàn ông mà đàn bà cũng vậy. Bản chất giống cái hay giống đực về mặt sinh lý đều có cơ chế hưng phấn tình dục khi có sự “gợi ý” từ đối tác. Vì thế chỉ khác ở chỗ, đàn ông được quan niệm xã hội cưng chiều và cho họ được tự do sống với bản năng. Còn phụ nữ thì bị quan niệm xã hội khắt khe, bắt phải sống có đạo đức, phải “công dung ngôn hạnh”, phải chung thủy, phải “tam tòng, tứ đức”…
Như vậy nếu bình đẳng thì khi phụ nữ phải sống có đạo đức thì đàn ông cũng phải vậy. Đàn ông hay phụ nữ đều là con người và đều phải hướng đến đời sống đạo đức cao thượng. Có như vậy thì bi kịch mới không xuất hiện trong các mối quan hệ tình yêu, hôn nhân, gia đình. Bởi, chỉ có sự bình đẳng mới mang lại hạnh phúc thực sự trong bất cứ mối quan hệ nào, đặc biệt là trong quan hệ tình ái.
“Cách nghĩ “tôi không phải là thái giám”, “mỡ để miệng mèo” là cách nghĩ biện minh cho lối sống bản năng, ích kỷ của đàn ông. Bởi khi nghĩ như vậy, đàn ông hãy đặt ngược trở lại, phụ nữ cũng có cách nghĩ như vậy thì đàn ông có chịu nổi không?”.