Đàn bà đừng đợi khi những vết nhăn trên gò má xuất hiện mới cuống cuồng níu giữ thanh xuân. Thời gian tàn nhẫn và khắc nghiệt với phụ nữ lắm. Cứ mãi hi sinh, cứ mãi tận tụy đến lúc mình già nua, xấu xí thì chồng lại chạy theo một người đàn bà khác trẻ đẹp hơn.
- Đàn ông khi lòng đã bạc thì đàn bà đừng níu kéo
- Ngủ dậy, chồng rút ví lấy tiền để trên gối và bảo vợ: Trả cho em đêm qua!
Bác tôi có hai người con, là chị em ruột nhưng tính cách lại khác nhau một trời một vực. Người chị tên Liên từ khi có chồng, xin nghỉ hẳn ở công ty để ở nhà vun vén cho chồng con. Sáng sớm, tôi đã thấy chị Liên cắp làn đi chợ. Rồi cả ngày chị ở nhà cơm nước, giặt giũ. Hàng xóm ai cũng khen nhà chồng tốt phước khi cưới được người con dâu như chị.
Trái hẳn với chị Liên, người em tên Lan tuy cũng đã có gia đình nhưng chị sống rất vô tư. Chị đi làm, thỉnh thoảng vẫn cà phê với bạn như ngày son rỗi. Con cái đã lớn, vài ba tháng chị gửi con cho bà ngoại để tự thưởng cho mình một chuyến đi chơi. Ai cũng bảo chị là người đàn bà vô tâm, hời hợt.
Thỉnh thoảng mấy chị em lại ngồi với nhau. Tôi lại nghe chị Liên càu nhàu em mình: “Đàn bà con gái có chồng có con rồi đừng có thoải mái quá, hàng xóm lại nói ra nói vào. Phận đàn bà có chồng phải biết lo cho chồng, cho con chứ”. Lần nào nghe xong câu đó, chị Lan cũng phá lên cười. Chị mở túi xách, lấy cây son đỏ tô lại vành môi đỏ chót rồi bảo: “Chị gái ơi, em lấy chồng chứ có phải vô tù đâu. Em không muốn tự biến mình thành một bà cô già nua như chị đâu. Đồng ý là ai có chồng cũng phải vun vén cho gia đình, em vẫn đi làm, vẫn làm ra tiền đấy thôi. Nhưng em ngoài gia đình vẫn còn bạn bè, còn công việc. Em thấy mình vui và hạnh phúc là được, miệng thiên hạ kệ người ta chứ".
Biết tính em nên chị Liên lắc đầu. Chị Lan tính xởi lởi, ít khi để ý lời nói của mọi người xung quanh mình. Chị sống đơn giản, miễn sao mình hạnh phúc là được. Họ là chị em với nhau, cách nhau chỉ hai tuổi mà trông chị Liên như già hơn hẳn chục tuổi. Bao lâu rồi chẳng đi đâu nhiều nên chị ít mua sắm quần áo, lại càng không có lấy một món mỹ phẩm. Chị bảo để dành tiền ấy mua cái gì ngon ngon cho con, có chồng có con rồi đâu cần ăn diện.
Cuộc sống vẫn diễn ra như thế, cho đến một ngày chị Lan hớt hải gọi điện thoại cho tôi. Chị bảo, chị Liên ngất, đang truyền nước ở bệnh viện. Tôi cuống cuồng vào bệnh viện, chị Liên nhợt nhạt đang nằm chuyền nước. Tôi hỏi ra mới biết, chị bị sốc nên ngất đi. Chị Lan lắc đầu: “Chồng chỉ ôm ấp gái bán bia ôm. Cái con tiếp viên ăn mặc như ở trần ở cái quán Gió Mới đó. Khổ, chị Liên tình cờ thấy được cảnh đó, sốc quá nên ngất đi”.
Chị Liên trào nước mắt, mỏi mệt nhìn chúng tôi. Chị Lan bảo tôi ra ngoài cho chị Liên ngủ. Ngồi với nhau ngoài hành lang bệnh viện, chị bảo: “Đàn bà khổ thế đấy. Ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc để rồi chồng lại nhẫn tâm ôm ấp nhân tình. Chị Liên mười năm có chồng, cả nguồn sống của chị là chồng, là con. Chị ấy chỉ cần nhìn chồng con vui vẻ, khổ cực mấy cũng chịu đựng được. Chị giữ chồng bằng cách hi sinh, bằng chịu đựng nhưng chồng chị vẫn phản bội đó thôi...”.
Rồi chị thở dài thườn thượt. Tôi chỉ biết lắng nghe, đắm chìm trong những suy nghĩ riêng của mình. Đàn bà như chị Liên hay như chị Lan, ai sẽ hạnh phúc hơn? Người đời ai cũng khen chị Liên giỏi vun vén nhưng cuối cùng chị cũng đâu có được gì ngoài những lời đãi bôi của thiên hạ. Đàn bà khôn ngoan như chị Lan, sống cho chồng con một nửa, một nửa cho mình. Tự bản thân mình cảm thấy mình hạnh phúc, thế là đủ!