Bằng nghị lực phi thường, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã “vượt lên chính mình” để đạt được thành công cả về sự nghiệp lẫn tình yêu khiến ai nghe cũng phải cảm phục.
- Cười 'té ghế' với cặp vợ chồng son: Sau 2 năm kết hôn, vợ Việt tố chồng Tây 'bê đê', chồng lại tố vợ 'chảnh chó'
- Cặp đồng tính nam gây 'bão mạng': Quen nhau hơn nửa năm nhưng vẫn chưa một lần 'đi sâu', chỉ dám hôn lén
Hình ảnh cậu bé yếu ớt, bị liệt hai tay nhưng vẫn hăm hở đến trường, cố công tự tập viết bằng ngón chân, lại còn viết rất đẹp đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Nhưng để nói về những điều phi thường xung quanh nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, bấy nhiêu thôi chưa đủ. Mới đây, trong chương trình Gõ Cửa Thăm Nhà, Quốc Thuận và Ngọc Lan đã đưa khán giả đến thăm nhà người thầy cao quý của nền giáo dục Việt.
Không chỉ là Nhà giáo ưu tú, thầy Nguyễn Ngọc Ký còn là nhà văn với hơn 30 tác phẩm văn học gồm thơ, văn và truyện kí như: Tôi đi học, Tôi học đại học và gần đây nhất là Tôi dạy học. Thầy còn là nhà tư vấn tâm lý gỡ rối cho hàng nghìn người, nhà diễn thuyết giao lưu truyền cảm hứng, tiếp lửa cho thế hệ trẻ ở hơn 1.500 trường học.
Hiện nay, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã về hưu và đang sống cùng vợ tại nhà con gái thứ hai. Dù sức khoẻ gặp nhiều vấn đề, thầy giáo già vẫn thường xuyên sáng tác những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có thể nói, 70 năm cuộc đời đã qua của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký là một hành trình không ngơi nghỉ để vượt lên số phận và vươn đến ước mơ.
Tại Gõ Cửa Thăm Nhà, thầy Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ những bài văn, vần thơ không chỉ là tinh hoa chắt lọc suốt hơn nửa thế kỷ của quá trình cố gắng phấn đấu không mệt mỏi; mà ngay lúc này, lại chính là “cứu cánh” giúp thầy chiến đấu với bệnh tật hằng ngày.
“Tôi đang chạy thận nhân tạo năm thứ 11, tôi điều trị ở bệnh viện 175. Thêm một bệnh nữa là nếu tôi nằm lâu, tiếng nói của tôi sẽ bất thường. Thậm chí, ngồi nói chuyện nhưng mà giọng tôi vẫn hơi khàn khàn. Trước đây tôi đi giao lưu, có lúc nói cả tiếng không có vấn đề gì. Để vượt qua những bệnh tật đó, hiện nay tôi viết văn. Đó chính là cái cứu cánh để tôi chống đối với bệnh tật” – nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ.
Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài với đam mê với công việc của một nhà văn. Sau khi hoàn thành tập hồi kí “Tôi dạy học” vào năm 2018, gần đây đam mê mới của thầy là viết truyện cổ tích cho thiếu nhi – một mảnh sách mà theo thầy là còn khan hiếm trong kho tàng văn học Việt Nam.
Vẫn là đôi bàn chân phi thường ấy, nhưng bây giờ, ngòi bút đã được thay thế bằng đôi dụng cụ đặc biệt để gõ bàn phím. Nhà giáo chia sẻ, nhờ có máy vi tính, việc sáng tác không còn khó khăn như trước: “Tôi tập viết từ khi còn vỡ lòng, quá trình luyện viết là một quá trình liên tục thậm chí đến bây giờ tôi vẫn phải luyện viết. Nhưng từ năm 1995, tôi tiếp cận và sử dụng vi tính, nên việc sáng tác đã đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Lúc đầu tôi cũng dùng ngón chân bình thường, nhưng ngón chân to nên hay bị dính phím. Thế là tôi mới nghĩ ra cách dùng bút chì, ở đầu có hai viên tẩy để không bị trượt khi gõ”.
Mắc bạo bệnh từ nhỏ, cơ địa yếu, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã phải cố gắng, nỗ lực gấp bội so với người bình thường để làm được công việc của một người bình thường, và luôn tự ý thức phải chăm sóc sức khỏe thật tốt. Thời gian biểu được thầy sắp xếp vô cùng hợp lý: “5 giờ sáng dậy tập dưỡng sinh. Sau đó tôi đi bộ quanh khu vực gần nhà. Về thì uống sữa, uống nước chanh pha loãng rồi ăn sáng. Khẩu phần ăn sáng của tôi rất là đơn giản. Lúc nào tôi cũng ăn một quả trứng vịt lộn, một hộp sữa chua, cũng có thể ăn thêm một thìa cơm". Giải đáp thắc mắc của Quốc Thuận về việc phải ăn trứng vịt lộn mỗi ngày, thầy Nguyễn Ngọc Ký cặn kẽ cho biết đây là cách để bổ sung protein cho cơ thể, đặc biệt cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
"Đến trưa thì tôi rất thích xem chương trình Phụ nữ là số một, đến chiều thì tôi bắt đầu sáng tác. Đến tối 5, 6 giờ thì đi bộ thể dục. Ăn cơm xong thì tôi cố gắng đi ngủ sớm.
Có những đêm 1-2 giờ sáng đã dậy, không để thời gian trống vắng và vô nghĩa, tôi thức dậy để viết luôn. Viết đến say sưa đến khi nào mệt quá thì lại ngủ đi. Thực ra, tôi viết văn không có lịch cụ thể, hứng khi nào thì viết. Nhưng thời gian nửa đêm và sáng sớm cảm thấy dòng chảy cảm xúc tốt hơn” - Thầy nói tiếp.
Trong cuộc sống riêng, thầy Nguyễn Ngọc Ký là người đàn ông hiếm hoi được vợ trao cho cô em gái để nối duyên, ngay trước khi bà ấy qua đời. Với thầy, cả hai người vợ đều là những người phụ nữ tuyệt vời, là những cánh tay thật ấm, dẫn dắt thầy tiếp bước trước mỗi ngã rẽ của số phận.
“Trước khi sương gió mù trời/ Ngổn ngang lá rụng/ Nhớ người cõi xa/ Em là cánh én trong ta/ Thức xuân dậy sớm/ Đóa hoa ngỡ tàn” - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký ví von cô Đậu - người vợ hiện tại - như là một cánh én, báo hiệu mùa xuân mới cho mình khi ông đang đắm chìm trong sự mất mát của tình yêu.
Năm 2001, một cơn tai biến mạch máu não cướp đi người vợ hiền thân yêu. Trong cảnh thập tử nhất sinh, cô vợ "số khổ" đã thỏ thẻ với chồng: "Nếu như em có mệnh hệ nào thì anh cố gắng thương lấy 'cái Đậu' vì chồng nó cũng mất sớm. Giúp dì dạy dỗ các con". Cũng theo lời phó thác của chị, cô em gái đã lặng lẽ tìm vào TP.HCM với anh rể của mình, thay chị gái trông nom anh những khi trái gió trở trời.
Quay về chuyện người vợ đầu Bùi Thị Nhiễu, theo lời thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, cả hai để lại ấn tượng với nhau bằng những tia sét ái tình mãnh liệt từ hai phía trong lần gặp đầu tiên. Họ chia tay nhau và hẹn 15 ngày sau ông anh kết nghĩa tiếp tục dẫn cô Nhiễu xuống nhà thầy chơi. Vào ngày tái ngộ, thầy không khỏi bất ngờ khi chỉ thấy cô một mình đạp xe vượt 30 cây số xuống thăm mình. “Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình, còn bà ấy xăm xăm băng lối đường xa ba mươi cây số để đến với mình” – Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hài hước ví von.
Giữ cô Nhiễu ở lại, đêm hôm ấy trời không có trăng, chỉ đầy sao lấp lánh, thầy Ký đã gửi gắm lời hẹn ước với người yêu qua những vầng thơ: "Tối nay hai đứa bên thềm/ Trời không trăng, đất dịu hiền lặng im/ Khuya về thăm thẳm màn đêm/ Vẫn đôi mắt ấy ánh lên sắc hồng/ Đây của em cả tấm lòng/ Một mình anh trọn giữa vòng yêu thương/ Đây của anh cả yêu thương/ Xin dành em hết/ Bốn phương đất trời”.
Đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt, song cặp đôi đã vấp phải sự phản đối từ phía gia đình cô Nhiễu. Mấy ai tin được một người con gái xinh đẹp mà lại chọn người yêu, người chồng tật nguyền, liệt cả hai cánh tay. Nhưng rồi, nhờ sự vun đắp lặng lẽ mà đầy hiệu quả của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “Cụ cứ gà cô Nhiễu cho chú Ký đi, trên đời này ai cũng sẽ chết hết, chỉ riêng mỗi nhà văn nhà thơ không chết” – Thế là bố vợ đồng ý, thế là đám cưới diễn ra.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi "sinh tử" đã chia biệt đôi lứa. Theo lời căn dặn của chị ruột trước khi mất, cô Đậu - khi ấy đã góa chồng và có 2 con riêng, nhắn nhủ thay chị chăm sóc thầy Nguyễn Ngọc Ký. Cả thầy và cô đã phải vượt qua nỗi ái ngại ban đầu của nhau, sự phản đối của các con để sau đó về chung sống dưới một mái nhà đến tận bây giờ.
Trong bữa ăn thân mật của Gõ Cửa Thăm Nhà, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký chưa bao giờ ngần ngại khi bày tỏ những lời nói yêu thương, đậm chất “ngôn tình” dành cho bà xã U70 khiến ai nấy đều phải ngưỡng mộ. Giống như những vần thơ Nguyễn Ngọc Ký tặng bà vào sinh nhật lần thứ 60. “Chúc em mãi mãi trăng rằm, dịu êm như khúc bổng trầm dân ca/ Vẫn là bóng cả cây đa/ Vẫn là chồi biếc, vẫn là mùa xuân”.