Bố mẹ ly hôn, với tôi là điều nhẹ nhõm nhất trong đời

Tâm sự gia đình 31/03/2018 05:17

Nhiều năm qua, điều ám ảnh tôi nhất không phải đói, khát mà chính là không khí gia đình ngột ngạt, những tiếng cãi cọ nhỏ xíu rồi to dần và sau cùng là ầm ĩ, lan khắp nhà như khói đen độc hại của một đám cháy.

Và trong không gian đó, bao giờ cũng vậy, tôi ẵm đứa em, chui vào một góc nhỏ xíu, tối tăm sau chiếc tủ áo, bịt kín đôi tai mình. Nhưng, những âm thanh tru tréo, tiếng khóc, tiếng bát đũa rơi vỡ dưới nền đất lạnh vẫn len vào, len vào mãi.

Tôi không biết bố mẹ tôi đã từng yêu nhau nhiều như thế nào, chỉ biết từ khi được đón từ nhà nội về ở với bố mẹ, tôi đã phải tập quen dần với những cuộc cãi vã trong đêm. Khi đó bố mới được thăng chức, đi làm mang tiếng gần nhà nhưng thời gian của bố hầu hết dành cho những đợt công tác triền miên. Mẹ cũng làm xa, sáng chỉ kịp nấu nồi cháo cho con rồi tất tả đi, tối khi hai chị em tôi sắp đi ngủ mẹ mới mệt mỏi về gõ cửa. Tôi 10 tuổi đã bắt đầu học cách chăm đứa em 5 tuổi, đi học về tự nấu cơm, chiều qua trường mẫu giáo đón em về, tắm rửa, cho em ăn, dọn dẹp nhà cửa.

Một thời gian, mẹ ở nhà, mở cửa hàng tạp hóa. Bố vẫn đi, và mỗi khoảng hiếm hoi khi ông về, chắc chắn những mâu thuẫn sẽ lại được châm ngòi. Bố tôi ngoại giao giỏi, trẻ trung, đẹp trai, đào hoa. Mẹ tôi ghen tuông và cay nghiệt, những lời nói của bà đến giờ tôi vẫn thấy nhớ, vẫn còn đau hơn cả đòn roi.

Bố mẹ ly hôn, với tôi là điều nhẹ nhõm nhất trong đời - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Trong những ngày không khí gia đình vô cùng u ám đó, mẹ sẽ sẵn sàng cáu gắt, mắng chửi nếu gặp bất cứ chuyện gì tự cho là không vừa ý. Và tất nhiên, tôi là đứa chịu trận, bị chửi từ chuyện nhỏ tới chuyện to, chửi như kiểu cho bố “biết mặt”. Cảm xúc của tôi từ đó luôn phải lệ thuộc vào tâm trạng của mẹ. Mẹ vui thì tôi bình an, mẹ căng thẳng thì tôi sợ sệt. Tôi sống với phương châm phải cố gắng làm hài lòng mẹ, càng im lặng, càng tránh mặt mẹ được chừng nào hay chừng đó. Tôi khi đó chỉ muốn lớn thật nhanh để tìm cho mình một cuộc sống mới, được ở một mình, tự do làm điều mình thích, tận hưởng giây phút bình yên.

Bố mẹ hiếm khi đi chung, bố mẹ không ngủ cùng giường. Bố càng ngày càng ít về nhà vào những bữa cơm, và mẹ cũng như thôi không chờ đợi. Một lần sau đợt to tiếng, tôi nghe bố bảo mẹ không có quyền can thiệp vào cuộc đời của bố, không được quyền biết bố đi đâu làm gì. Bố còn tát mẹ một cú như trời giáng trước khi quay đi. Tôi sợ hãi chạy lên phòng khóc thút thít.

Cũng hôm đó, tôi lấy hết can đảm bảo mẹ: Thay vì cứ ghen tuông, sao mẹ không bỏ bố đi cho xong? Mẹ trừng mắt: Con nít biết gì chuyện người lớn. Tao chịu đựng cũng vì chúng mày. Vâng, vì chúng con? Vậy người lớn, rốt cục có thật hiểu trẻ con không? Nếu bố mẹ có thể tha thứ lỗi lầm của nhau, có thể yêu thương thành tâm trở lại, đó mới chính là vì con. Chứ không phải chịu đựng nhau, không cố tình tạo ra một vỏ bọc hạnh phúc khi tất cả đều biết rằng bên trong đang bị đục khoét chỉ đợi ngày mục rữa.

Bố mẹ ly hôn, với tôi là điều nhẹ nhõm nhất trong đời - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Cuộc sống cứ thế trôi trong bầu không khí trĩu nặng đó. Mãi đến năm tôi học hết cấp ba, mẹ tôi làm đơn ra tòa. Tôi ở với mẹ, em trai ở với bố. Nhà ngăn đôi, giữ lại cái gác xép phía ngoài để em trai tôi lúc ngủ trên đó có thể nói chuyện vọng xuống với mẹ và chị.

Thực sự tôi thấy nhẹ người, bầu không khí như nhẹ bẫng. Mẹ có bạn trai, đi suốt. Bố cho thuê cửa hàng, tôi vẫn cơm nước... Thỉnh thoảng gặp người cùng cảnh như mình, khi chuyện trò thân quen hơn, tôi hay hỏi họ cảm thấy thế nào sau khi bố mẹ ly hôn. Và câu trả lời luôn là cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Đến giờ, tôi vẫn hỏi câu hỏi đó.

Bố mẹ ly hôn, với tôi là điều nhẹ nhõm nhất trong đời - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Sau nhiều năm, cuối cùng tôi cũng chạm được bến bình yên...

Người ta luôn cố gắng níu kéo một gia đình, tìm mọi cách để ngăn nó tiến thêm một bước đến bờ vực đổ vỡ bởi nguyên nhân hay được nhắc đến nhất là vì con. Nhưng, có mấy ai hiểu tâm tư những đứa con phải quẫy đạp trong không gian ngột ngạt của một tổ ấm vốn không bao giờ có thể ấm lại thêm lần nữa?

Con cái cần ba mẹ là dĩ nhiên, nhưng là cần ba mẹ tử tế và yêu thương nhau, biết học cách lắng nghe nhau, chấp nhận nhau, dung hòa để cho con một cuộc sống an yên, chứ không phải chỉ đơn giản là giữ gìn cho con bức tranh gia đình đông đủ thành viên, mục nát ra sao cũng không dám xé bỏ.

Đến bây giờ, khi đã làm mẹ, tôi vẫn không ủng hộ câu nói vĩ đại là hy sinh vì con. Nếu cuộc hôn nhân của các bạn đã thật sự khiến cả hai kiệt sức, đừng ở lại bên nhau và đem con làm lí do ngụy biện. Bạn sẽ cho con được gì nếu bắt chúng sống trong những hằn học tổn thương, những sỉ vả xúc phạm nhau rồi ra đường, xưng hi sinh vì con cái. Những đứa trẻ đó phải chịu những gì? Lớn lên, tâm lí chúng sẽ ra sao?

Tệ hơn, bạn còn cướp đi của con cơ hội được học hỏi cách người lớn duy trì, nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh như thế nào, cả khi êm đềm hay lúc sóng gió. Thật tội nghiệp những đứa con vốn đã kém may mắn vì sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc nay còn gánh thêm cái tội danh vì chúng mà bố mẹ phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình.

Thư gửi con gái: Nếu một ngày con chán chồng…

Nhưng mẹ nghĩ đến lúc đàn bà nhận ra mình chán chồng lại là một dấu hiệu tốt. Đó là lúc con nhận ra mình mỏi mệt rồi, là khi con thấy rõ ràng những chịu đựng hay bao dung của mình đã vượt ngưỡng…

TIN MỚI NHẤT