Tưởng chừng tục xông đất đầu năm đã là một nét văn hóa truyền thống quá đỗi quen thuộc, nhưng chắc hẳn những thuyết minh về phong tục này sẽ khiến không ít người bất ngờ và hiểu rõ hơn về nó.
- Xem tuổi hợp xông đất, mở hàng chỉ cần nhớ 3 điều sau sẽ VẠN SỰ NHƯ Ý, ĐẾM TIỀN XÁI TAY
- Ý nghĩa tục mua mía lộc đầu năm mới của người Việt
Thuyết minh về ý nghĩa của phong tục xông đất đầu năm
Đại đa số người Việt thường tin rằng việc xông đất đầu năm có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của cả một năm sắp tới của toàn thể gia đình. Do đó, xông đất đầu năm từ lâu đã trở thành một tục lệ được coi trọng của người Việt trong ngày đầu xuân mới.
Khách đến xông đất phải là bạn bè, người thân của chủ nhà, tuyệt đối không phải là người lạ
Xông đất đầu năm thường được diễn ra vào ngay sau thời khắc giao thừa cho tới ngày mùng 1 Tết. Đây là thời điểm toàn bộ gia chủ và người thân cùng mong chờ đón chào vị khách đầu tiên bước vào nhà mình trong năm mới, đem đến những điều may mắn.
Theo quan niệm của người xưa, người đến xông đất, xông nhà trong năm mới sẽ là người đem lại cho gia đình tài lộc, may mắn, sức khỏe trong năm mới. Bởi vậy, nhiều gia đình mong muốn những điều tốt đẹp nhất khi năm mới sang sẽ đến với mình nên rất coi trọng việc lựa chọn người tới xông đất ngày đầu năm.
Nhiều người chọn người tới xông đất ngay từ trước, xem tuổi của vị khách có hợp với gia chủ hay không. Ngoài ra, người ta cũng rất coi trọng gia đình của người đến xông đất. Họ phải là người có một gia đình hạnh phúc, tính tình luôn vui vẻ, việc làm ăn thuận lợi khấm khá, khỏe mạnh và nên là đàn ông.
Theo phong tục xông đất từ xưa, những người làm quan, gia đình có truyền thống hiếu học thường chọn người xông đất là đàn ông giỏi giang, có học thức. Còn đối với các gia đình thuần nông thì chỉ cần khách tới xông đất là người khỏe mạnh.
Người ta thường chọn khách đến xông đất là người tính tình vui vẻ, khỏe mạnh, làm ăn khấm khá
Một cách xông đất khác cũng khác phổ biến là chính người trong gia đình mình tự xông đất, xông nhà. Thông thường, người được chọn xông đất sẽ là người khỏe mạnh, có tuổi không xung khắc với con giáp trong năm mới. Trước thời khắc giao thừa, người này cần ra ngoài đón năm mới rồi sau giao thừa thì về xông đất đem theo cành lộc mang lại may mắn cho cả gia đình trong năm tới.
Những lưu ý cho khách và gia chủ khi tiến hành xông đất đầu năm
Theo tục lệ xông đất đầu năm, khách đến nhà xông đất cần phải chuẩn bị trang phục tươm tất, gọn gàng, màu sắc rực rỡ, tươi sáng để gia chủ cả năm no ấm, đủ đầy. Nếu có thể, khách đến xông nhà nên đem theo một chút quà Tết để biếu gia chủ như: một chai rượu, bánh chưng, bánh tét hay một hộp mứt tết.
Ngày nay, phong tục xông đất được đơn giản hóa, khách đến xông nhà chỉ cần mang theo những phong bao lì xì đỏ để mừng tuổi cho gia chủ, trẻ con trong nhà. Chủ nhà cũng tặng cho vị khách xông đất phong bao lì xì để chúc may mắn.
Khi đến xông đất, người ta thường lì xì và chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới
Xong xuôi, khách và gia chủ cùng chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới, cùng nâng ly thưởng thức chút rượu hay chén trà ấm đầu xuân, nhấm nháp chút bánh mứt tết. Tuy nhiên, khách tới xông nhà không nên nán lại quá lâu, chỉ nên ở lại khoảng 15 phút rồi rời ngay đi với hàm ý năm mới mọi điều đều trôi chảy, thuận lợi nhanh chóng.
Sau khi gia đình đã có khách đến xông nhà, có thể đón tiếp những vị khách khác. Chính bởi những kiêng kỵ trong tục lệ xông đất đầu năm mà người Việt thường hạn chế đến thăm nhà người khác vào sáng mùng 1 tết. Ngoài ra, những người mà trong gia đình có chuyện không hay, có tang,... thường không nên đến xông nhà hay chúc tết gia đình người khác để tránh đem lại điều không may mắn cho họ trong đầu xuân năm mới.
Phong tục xông đất, xông nhà đầu năm là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay. Đó là một niềm vui ngày đầu xuân, là dịp để người thân, bạn bè cùng đến thăm nhà, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.