Viêm tụy mạn là căn bệnh đang có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây. Vậy rốt cuộc bệnh lý này là gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho bạn về căn bệnh viêm tụy mạn ở ngay bài viết dưới đây nhé!
- Cách làm gà xào hành tây thơm ngon, lạ miệng và chuẩn đưa cơm tại nhà!
- Cách làm đậu hũ nướng giấy bạc chuẩn ngon, healthy và siêu đơn giản tại nhà!
Viêm tụy mạn là gì?
Tụy là tuyến thuộc bộ máy tiêu hóa, nằm sau dạ dày, sát thành sau ổ bụng và nằm vắt ngang qua các đốt sống thắt lưng. Cơ quạn này vừa có chức năng ngoại tiết là tiết ra các dịch tụy tạo ra men tiêu hóa để giúp ruột tiêu hóa thức ăn, vừa có chức năng nội tiết (tiết ra insulin, glucagon) là giúp điều hòa đường huyết. Mỗi ngày tụy tiết khoảng 1000ml dịch tụy, tụy được tiết nhiều nhất là khi chúng ta ăn và tiêu hóa thức ăn.
Những đợt viêm tụy cấp tính xảy ra ở nhu mô tụy cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng viêm tụy mạn. Viêm tụy mạn là bệnh lý xảy ra do sự xơ hóa từ từ của nhu mô tụy, dẫn tới sự phá hủy ngày càng nặng nhu mô tụy dẫn tới hậu quả suy giảm hoặc mất chức năng tụy.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy mạn có rất nhiều, trong đó rượu chính là nguyên nhân thường gặp nhất. Có khoảng 70% bệnh nhân bị viêm tụy mạn là do tiêu thụ rượu quá mức và kéo dài. Rượu thường gây các đợt viêm tụy cấp, dần dần tái đi tái lại và trở thành viêm tụy mạn.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây viêm tụy mạn như do hút thuốc lá, do tăng lipid máu, dùng các loại thuốc hoặc do tăng canxi máu, tắc nghẽn ống tụy mật, rối loạn cơ vòng oddi,…
Các triệu chứng của viêm tụy mạn
Tương tự như các triệu chứng của viêm tụy cấp, bệnh nhân khi bị viêm tụy mạn cũng có các triệu chứng phổ biến như:
- Đau bụng: Người bệnh bị đau bụng kéo dài tại vùng thượng vị, có đôi khi chỉ là cảm giác căng tức, chướng bụng ở khu vực này. Các cơn đau sẽ tăng lên rõ rệt vào lúc ăn thức ăn hoặc khi uống rượu. Cơn đau này sẽ dần dần lan ra vùng lưng hoặc một nửa vùng bụng trên, thỉnh thoảng cơn đau cũng sẽ lan xuống bụng dưới.
- Buồn nôn, nôn: Bệnh nhân thường có cảm giác buồn nôn và muốn nôn, cũng có cảm giác chán ăn, người mệt mỏi b và không còn cảm giác muốn ăn uống nữa. Đồng thời, khi ăn thì cơn đau bụng lại tăng lên, chính vì thế mà bệnh nhân viêm tụy mạn thường bị sụt cân nhanh chóng, thậm chí bị suy kiệt.
- Đái tháo đường, huyết áp cao: Khi tụy không đảm nhiệm được chức năng nội tiết, đường huyết không được cân bằng thì rất sẽ gây ra biến chứng đái tháo đường và các nguy cơ khác về bệnh tim mạch.
- Tiêu chảy: Do tụy bị viêm và bị mất chức năng nên dịch tiết hỗ trợ quá trình tiêu hóa bị suy giảm nghiêm trọng, từ đó khiến thức ăn khi được đưa vào dạ dày và ruột không được tiêu thụ và khiến người bệnh bị tiêu chảy kéo dài. Ngoài ra, đặc trưng của bệnh lý tuyến tụy là khi đi ngoài người bệnh sẽ thấy phân nổi váng, có mùi tanh hôi. Khi có triệu chứng này thì chứng tỏ tình trạng viêm tụy đã rất nghiêm trọng, chức năng tiết dịch của tụy lúc này chỉ còn khoảng 1/10.
- Ngoài ra, căn bệnh này còn các biểu hiện khác như: Vàng da do ống mật bị tuyến tụy chèn ép, báng bụng, tràn dịch màng phổi do rò rỉ dịch tụy,…
Viêm tụy mạn có nguy hiểm không?
Tuyến tụy là một tuyến quan trọng, vừa đảm nhiệm chức năng nội tiết vừa đảm nhiệm chức năng ngoại tiết, chính vì thế, khi bị viêm tụy mạn sẽ khiến cho tuyến tụy bị tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Và cũng như đã nói ở trên, tuyến tụy bị suy giảm chức năng sẽ khiến cho hệ tiêu hóa không thể làm việc bình thường, dẫn đến hiện tượng bệnh nhân sẽ bị rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn, không hấp thụ được chất dinh dưỡng từ thức ăn, dần dần khiến bệnh nhân sụt cân, suy giảm sức khỏe, thậm chí suy kiệt.
Không chỉ thế, viêm tụy mạn còn có thể biến chứng và gây ra các nang giả tụy, kích thước nang này càng lớn thì gây rò rỉ dịch tủy, khiến báng bụng hoặc tạo ra huyết khối trong tĩnh mạch lách, tĩnh mạch chủ dưới, gây xuất huyết giãn tĩnh mạch…
Ngoài ra, viêm tụy mạn có thể biến chứng và gây ra bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và nhiều nguy cơ bệnh tim mạch khác. Bên cạnh đó, viêm tụy mạn cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ra ung thư tụy và gây tử vong cao. Vậy giải pháp nào cho tình trạng này?
Cách điều trị viêm tụy mạn
Khi bị viêm tụy mạn, để tránh cho bệnh tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nặng nề thì bệnh nhân cần phải điều trị càng sớm càng tốt. Đồng thời, cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị cũng như các yêu cầu thay đổi lối sống mà bác sĩ đưa ra.
Điều trị để kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân: Bác sĩ sẽ dựa trên tình hình cụ thể của từng bệnh nhân mà áp dụng phác đồ điều trị khác nhau. Thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau của mình. Trường hợp nặng, cơn đau tăng dần thì có thể bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để dẫn lưu ống tụy, loại bỏ một phần ống tụy thậm chí là loại bỏ toàn bộ ống tụy.
Bổ sung enzym tiêu hóa và điều chỉnh lượng insulin trong máu do tuyến tụy không còn thực hiện tốt hai nhiệm vụ này. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp để đảm bảo cơ thể vẫn đủ các chất này, đảm bảo quá trình chuyển hóa không bị ảnh hưởng nhiều do tuyến tụy bị viêm.
Khi ăn uống, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ khuyến cáo. Đặc biệt là phải bỏ rượu, bỏ thuốc lá. Sau đó là tránh các chất béo, các thức ăn nhiều dầu mỡ. Đồng thời cần ăn đủ các vitamin và khoáng chất, chất xơ và nguồn đạm, cũng có thể cân nhắc việc bổ sung men để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
Cách phòng tránh bệnh viêm tụy mạn
Như đã nói ở trên, các nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy phần lớn là do thói quen sử dụng rượu, thuốc lá. Đây là những yếu tố nguy cơ hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi lối sống của mình. Để phòng tránh bệnh viêm tụy mạn, mỗi người cần phải thực hiện những việc sau:
- Ngừng uống rượu, vì rượu chiếm 70% nguyên nhân viêm tụy. Trường hợp người nghiện rượu cần phải cai rượu, có thể cần phải đến trung tâm y tế để được hỗ trợ cai rượu.
- Hãy bỏ thuốc lá.
- Thực hiện một chế độ ăn khoa học: Ăn ít chất béo, lựa chọn các chất béo có lợi như dầu oliu, cá hồi, quả bơ, các loại hạt. Ăn nhiều các loại hoa quả, rau củ quả, trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu protein.
- Uống nhiều nước mỗi ngày: Uống lượng nước từ 1,5-2 lít mỗi ngày để đảm bảo cho quá trình chuyển hóa. Khi đã bị viêm tụy cấp thì nên uống nhiều nước vì viêm tụy thường gây tiêu chảy, mất nước.
- Có thể bổ sung các loại vitamin: Các loại vitamin như C, A, E, selen… tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, nó cũng giúp giảm các triệu chứng đau ở người bị viêm tụy mạn.
- Nếu bị mỡ máu, đái tháo đường: Cần duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, ít đường, ít chất béo, ít muối, đặc biệt là không ăn các loại chất béo động vật như mỡ lợn, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng,…
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
Tóm lại, viêm tụy mạn là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không can thiệp sớm và điều trị kịp thời thì tuyến tụy sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn và không thể tái tạo lại được. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các chị em độc giả sẽ trang bị được cho mình kiến thức để phòng bệnh, nhận biết sớm bệnh và điều trị ở giai đoạn sớm, để phòng tránh những biến chứng nặng nề có thể xảy ra nhé! Chúc các độc giả luôn khỏe mạnh!