Từ sự bất cẩn, chủ quan, nhiều trẻ uống nhầm các loại hóa chất như dầu thắp đèn dẫn đến nguy kịch, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
- Kịch bản xấu nhất khi biến thể phụ mới gia tăng tại TP.HCM: diễn tập phòng chống quy mô lớn, kích hoạt 100 giường hồi sức tích cực
- Kì tích: Bé trai ngừng tim, ngã gục sau cú đá bóng rất mạnh của đồng đội được cứu sống một cách ngoạn mục: lưu ý 'thời gian vàng'
Theo Zing News, một bé nhỏ N.H.K. (20 tháng, xã Nghi Phú, TP Vinh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch liên quan đến bệnh suy hô hấp/viêm phổi hít do uống nhầm dầu thắp đèn. Theo lời kể của gia đình bé K., khi không có người lớn bên cạnh, trẻ đã uống chai dầu thắp đèn bàn thờ để dưới đất.
Khi phát hiện, gia đình rất hốt hoảng, cho cháu uống nhiều nước và móc họng để trẻ nôn. Gia đình cũng không ngờ rằng chính hành động gây nôn đã khiến tình trạng bé trở nên nặng hơn.
Tương tự, ngày 3/12, bệnh nhân N.T.Đ. (15 tháng tuổi, trú tại thị xã Cửa Lò) vào viện trong tình trạng nguy kịch, tím tái, suy hô hấp, hơi thở mùi dầu hỏa, phải thở oxy vì uống nhầm dầu thắp đèn. Khi bé hét lên, gia đình mới phát hiện sự cố nguy hiểm.
Gia đình cho biết trẻ vốn có tiền sử viêm phổi nhiều đợt trước đó. Trẻ nhập viện quấy khóc, ho khan, được chẩn đoán suy hô hấp/ viêm phổi hít sau uống nhầm dầu thắp đèn và khẩn trương chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc điều trị.
Cả hai bệnh nhi đều đến viện với tình trạng suy hô hấp phải thở oxy, có nguy cơ đe dọa tính mạng, nhưng sau quá trình điều trị phù hợp, các bé đã dần ổn định và được ra viện.
Nguy kịch từ ngộ độc hóa chất
Cũng theo Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, ngộ độc hóa chất là một trong những tai nạn thường gặp trong dịp Tết nguyên Đán. Nguyên nhân do nhiều gia đình mua các loại hóa chất về lau dọn, sơn sửa nhà cửa. Các hóa chất phổ biến: xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ… Cha mẹ để vào các chai nước suối, nước ngọt… trong tầm tay của trẻ.
Trẻ vô tình uống hoặc nuốt phải, nguy hiểm tính mạng. Lo ngại nhất là trẻ uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Những hóa chất này chỉ cần uống một lượng nhỏ, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết:
Trẻ đau họng, ho sặc sụa, hơi thở có mùi hóa chất, buồn nôn, nôn, môi lưỡi đỏ hoặc bị phồng rộp, chảy máu, đau tức thượng vị.
Với các loại hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone… khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng, thậm chí tử vong.
Trẻ khó thở, thở gấp, mặt mũi tím tái, suy hô hấp, thở rít do thanh quản co thắt.
Da xanh xao, nhợt nhạt, la khóc, mất ý thức, hôn mê.
Cách xử trí
Khi thấy một người bị ngộ độc hóa chất, cần bình tĩnh, quan sát xung quanh, đưa người bệnh đến nơi an toàn.
Với nạn nhân bị ngộ độc đường hô hấp, cần đưa khỏi vùng có khí độc đến nơi thông thoáng.
Nếu nạn nhân tím tái, cần hô hấp nhân tạo liên tục trong khi chờ xe cứu thương đưa đến bệnh viện.
Trường hợp ngộ độc qua da: rửa sạch chất bám trên da bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh an toàn. Nếu chất độc văng vào mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch nhẹ nhàng.
Khi trẻ uống nhầm dầu thắp đèn, người nhà tuyệt đối không được móc họng gây nôn cho trẻ khi đường thở chưa được bảo vệ. Bởi dầu thắp đèn bản chất là một hydrocarbon dễ bay hơi, rất dễ trào vào đường thở khi uống, đặc biệt là khi gây nôn.
Lưu ý, sau bước sơ cứu ban đầu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín gần nhà để được xử trí kịp thời. Tránh kéo dài thời gian, gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Đồng thời, khi xử trí ngộ độc hóa chất cần lưu ý:
Tên hóa chất: thường ghi trên bao bì, chai, lọ. Ghi nhớ kỹ, chụp ảnh hoặc mang đến bệnh viện để bác sĩ xác định chính xác hóa chất, dùng thuốc đặc trị kịp thời.
Ghi nhớ thời gian ngộ độc, triệu chứng và biểu hiện ban đầu.
Các gia đình có trẻ em, đặc biệt bé dưới 6 tuổi lưu ý tuyệt đối không dự trữ xăng dầu, các loại hóa chất trong nhà. Nếu cần phải dự trữ, bạn không được đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát. Gia đình cần để dầu thắp ở nơi tránh tầm tay trẻ em (để trên cao, trong tủ có khóa...).