Thiếu máu não, tứ chi yếu thoáng qua tưởng là đột quỵ nhẹ: Người phụ nữ ngỡ ngàng khi biết mình mắc căn bệnh hiếm gặp

Sức khỏe 08/02/2023 14:13

Người phụ nữ 53 tuổi thường xuyên bị đau đầu, thiếu máu não, chân tay yếu thoáng qua nhưng chỉ nghĩ là bị đột quỵ nhẹ. Khi đến viện khám mới biết mình mắc căn bệnh hiếm gặp chỉ 1-2 người mắc phải.

Thiếu máu não, tứ chi yếu thoáng qua tưởng là đột quỵ nhẹ: Người phụ nữ ngỡ ngàng khi biết mình mắc căn bệnh hiếm gặp - Ảnh 1

Ngày 6/2, ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ (Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, chị Nguyễn Thị Sang, 53 tuổi, đến khám và được ghi nhận theo dõi đột quỵ với những cơn thiếu máu não thoáng qua diễn ra thường xuyên. Có những đợt chị bị yếu tay chân thoáng qua rồi hồi phục, tiếp tục sinh hoạt như bình thường, nhưng sau đó tái lại.

Chị Sang được chỉ định chụp MRI (cộng hưởng từ) và DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền). Kết quả cho thấy tắc động mạch cảnh hai bên, hẹp động mạch não trước và não giữa 2 bên. Sau đó các bác sĩ kết luận chị mắc bệnh lý Moyamoya nguy hiểm gây thiếu máu não và có nguy cơ đột quỵ.

Bệnh nhân từng phẫu thuật mổ bắc cầu động mạch não phải một lần, tần suất thiếu máu não phải giảm nhưng dự báo động mạch bên trái có thể tắc hoàn toàn trong tương lai gần. Do đó, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định phẫu thuật, nối mạch máu giúp tuần hoàn não, ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.

Theo bác sĩ Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có hai phương pháp điều trị bệnh Moyamoya. Điều trị nội khoa là sử dụng aspirin hoặc một số loại thuốc làm loãng máu khác để ngăn ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ điều trị nội khoa là chưa hiệu quả. Với điều trị ngoại khoa, phương pháp phẫu thuật hiện đại hiện nay là phẫu thuật động mạch não bắc cầu (Bypass), lấy động mạch ở ngoài nối vào trong não, giúp tái tưới máu cho não, từ đó cải thiện được chất lượng sống của bệnh nhân, loại trừ nguy cơ đột quỵ trong thời gian tới.

Các bác sĩ đã khâu (nối) động mạch ngoài sọ trực tiếp đến động mạch não. Lấy động mạch thái dương nông ở ngoài vỏ não, sau đó mở hộp sọ và tìm động mạch não giữa nối lại với nhau.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được sử dụng thuốc loãng máu để duy trì dòng máu chảy trong não khoảng 1 - 3 tháng. Sau đó bệnh nhân sẽ tiếp tục được khám và chụp phim kiểm tra lưu lượng tưới máu não để bác sĩ cân nhắc cho bệnh nhân ngừng dùng thuốc.

Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm, bệnh Moyamoya là một căn bệnh hiếm trên thế giới và ở Việt Nam. Tại Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10,5 bệnh nhân trong 100.000 dân. Tại Việt Nam, một số bệnh viện chỉ tiếp nhận 1, 2 ca bệnh mỗi năm. Bệnh Moyamoya được người Nhật tìm ra đầu tiên. Bệnh được biểu hiện bởi những cơn thiếu máu não (bệnh lý thiếu máu não), bệnh lý xuất huyết não, bệnh lý thần kinh và một số biểu hiện khác như đau đầu kéo dài, giảm trí nhớ, chóng mặt… Trong đó, bệnh lý thiếu máu não chiếm tỉ lệ cao nhất, sau đó đến xuất huyết não và các biểu hiện thần kinh khác.

Trong quá trình bệnh phát triển, những cuống lớn mạch máu bị thiếu, chỉ có những mạch máu nhỏ ngoại biên. Vì thiếu nguồn cung oxy, máu não, nên mạch máu chụp lên phim thấy rất nghèo nàn, không có nhánh chính, chỉ có hệ thống nuôi trên bề mặt, thường dẫn đến cơn thiếu máu não, đột quỵ thiếu máu.

Bệnh lý Moyamoya thường xuất hiện ở các độ tuổi 10-14 tuổi (đối với nam), 20-25 tuổi (đối với nữ) và 50-55 tuổi ở cả nam và nữ. Trong đó, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh nhân sẽ xuất hiện những cơn thiếu máu não - tức lưu lượng máu lên não không đáp ứng đủ nhu cầu cho não bộ, biểu hiện ra bên ngoài yếu tay, chân, nói khó. Những ai có những biểu hiện này cần đi khám ngay, xem có nhánh mạch máu não nào bị tắc và loại trừ các bệnh lý như dị dạng mạch máu não, phình động mạch não, u não… khá giống với bệnh lý Moyamoya. Nếu không được điều trị kịp thời mức độ hẹp động mạch não tiến triển, tắc động mạch não, dẫn đến đột quỵ.

Hiện thế giới chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây bệnh Moyamoya. Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh là di truyền, hoặc các bệnh lý di truyền như hội chứng Down, đa hồng cầu…

Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo những ai gặp các triệu chứng đau đầu, giảm trí nhớ,…dù chỉ thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại thì không nên chủ quan, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

 

Nhiều học sinh bị chấn thương thận, tổn thương nội tạng do một số thói quen dễ bị bỏ qua này

Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trong độ tuổi đi học đã gặp phải tình trạng chấn thương thận nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

TIN MỚI NHẤT