Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng của đại tràng với các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, đi ngoài...
- Bí quyết sở hữu làn da sáng mịn lại có thể xuất phát từ "trong bụng", làm đúng bạn sẽ có da khỏe mạnh
- Để bụng đói hay ăn no trước khi ngủ tốt hơn? Câu trả lời của các chuyên gia gây bất ngờ
Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích, nhưng có một số loại thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Tránh các loại thực phẩm này có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.
1. Sữa và các thực phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm có chứa lactose như phô mai và kem, có thể gây đầy hơi và chướng bụng ở những người không dung nạp lactose.
Khoảng 70% người trưởng thành trên toàn thế giới không sản xuất được lượng lớn lactase, một loại enzyme trong ruột giúp phân hủy đường trong sữa.
Nếu không có enzyme này, ruột non sẽ không thể hấp thụ lactose. Lactose không được tiêu hóa sẽ đi vào đại tràng, nơi vi khuẩn lên men và sinh ra khí.
Mặc dù các sản phẩm từ sữa là thủ phạm chính gây khó chịu cho một số người mắc chứng IBS, nhưng sữa chua lại là một ngoại lệ.
Vi khuẩn sống trong sữa chua phá vỡ đường lactose nên ít có khả năng gây ra các triệu chứng đầy hơi.
2. Thực phẩm chứa nhiều fructose
Siro ngô (bắp) có hàm lượng đường fructose cao là thành phần chính trong thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt bán sẵn, đồ ăn vặt, nước ngọt. Những thực phẩm này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng IBS.
Ngoài ra, một số thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe như táo, lê, trái cây sấy có hàm lượng fructose cao tự nhiên, khi ăn vào có thể gây ra một số tác dụng phụ tương tự như lactose do khó tiêu.
Thay vào đó, người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn những loại quả có hàm lượng fructose thấp hơn, ví dụ các loại quả mọng, cam, quýt, chuối,...
3. Đồ uống có gas
Khí gas trong các loại đồ uống như soda, nước khoáng có gas có thể tạo bọt khí trong đường tiêu hóa, gây chướng bụng và làm trầm trọng thêm hội chứng ruột kích thích.
Do đó, thay vì chọn đồ uống có gas, hãy uống nước lọc để làm dịu cơn khát của bạn.
4. Caffein
Caffeine có thể làm tăng triệu chứng tiêu chảy, một triệu chứng phổ biến của IBS.
Những nguồn cung cấp nhiều caffeine cao bao gồm cà phê, trà, coca, nước tăng lực, chocolate và một số thuốc giảm đau đầu không kê đơn. Do đó hãy đọc kỹ thành phần trước khi sử dụng.
5. Kẹo cao su không đường
Nhiều loại kẹo cao su không đường được làm bằng chất làm ngọt nhân tạo như sorbitol và xylitol, được chứng minh là gây tiêu chảy.
Ngoài ra, nhai kẹo cao su còn khiến bạn nuốt nhiều không khí và đầy hơi hơn.
Một số loại thực phẩm khác cũng có thể gây triệu chứng IBS như: đậu, các loại rau họ cải như cải xanh, cải brussels, thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng hoặc giảm cân....
Những cách hỗ trợ sức khỏe đường ruột và giảm tình trạng IBS
Ngoài kiêng những thực phẩm kể trên, các chuyên gia tiêu hóa khuyên bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích nên giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và giảm thiểu thực phẩm chế biến sẵn nói chung để cải thiện bệnh.
(Theo Johns Hopkins Medicine)