Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu về triệu chứng đầy bụng, khó tiêu trong bài viết dưới đây.
- Điểm danh 6 điều tồi tệ sẽ xảy với cơ thể nếu bạn còn giữ thói quen ăn sau 7 giờ tối: Vừa tàn phá dạ dày lại gây hại cho tim mạch
- Cảnh báo 5 biến chứng nguy hiểm khi bị trào ngược dạ dày thực quản
Theo tư vấn của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa khám bệnh tại Phòng khám ĐKQT Thu Cúc, triệu chứng đầy bụng khó tiêu sau ăn thường xảy ra do 2 nguyên nhân là chế độ ăn uống, phản ứng sinh lý hoặc do các bệnh lý tiêu hóa gây nên.
Trước hết, chế độ ăn uống và sinh lý của cơ thể có thể gây nên tình trạng đầy bụng khó tiêu, cụ thể như:
- Bữa ăn của bạn có chứa nhiều loại thực phẩm gây đầy hơi như ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn nhiều dầu mỡ, rau củ có hàm lượng đường cao, trái cây có lượng fructose cao,… hoặc dùng các loại nước có gas, cồn như rượu bia, cà phê,…
- Bạn thường xuyên ăn quá nhanh hoặc nói chuyện trong khi ăn, khiến cơ thể nạp nhiều hơi hơn bình thường, lâu dần sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.
- Tình trạng căng thẳng, sức khỏe tâm thần kém gây suy giảm khả năng tiêu hóa thức ăn của hệ tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi khó tiêu.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: kháng sinh, kháng viêm.
Nếu tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài có thể là do bệnh lý ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể. Những bệnh có thể làm suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa, gây đầy bụng khó tiêu như:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Khi mắc bệnh lý này nếu tiếp tục thu nạp những thức ăn khó tiêu hóa, nhiều gia vị sẽ khiến dạ dày dễ bị kích ứng, làm suy giảm chức năng dạ dày, gây đầy hơi khó tiêu.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Gây ra tình trạng ợ hơi và thường đi kèm với những triệu chứng như đầy bụng khó tiêu và táo bón.
- Hẹp môn vị dạ dày: Gây cản trở đường di chuyển của thức ăn và dịch vị xuống tá tràng, khiến hệ tiêu hóa khó hoạt động gây nên tình trạng trên.
- Hội chứng ruột kích thích: Đây là bệnh lý rối loạn tiêu hóa thường gặp, đi kèm với triệu chứng điển hình của bệnh là đầy bụng khó tiêu.
Vậy nên nếu tình trạng bệnh của bạn thường xuyên xảy ra và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Các vấn đề tiêu hóa rất khó phân biệt và nhận biết, vì vậy để đảm bảo tình trạng sức khỏe, bạn cũng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm để theo dõi và sớm phát hiện các vấn đề bất thường.