Khi theo dõi tại nhà, ngoài theo dõi các triệu chứng thì dinh dưỡng với F0 vô cùng quan trọng. Gợi ý chế độ ăn uống cho F0 tại nhà đảm bảo tăng cường sức khỏe, nhanh khỏi bệnh.
- Bộ Y tế: Sẵn sàng phương án xử lý, điều trị cho học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trường không để xảy ra tình huống quá tải
- Sở Y Tế TP.HCM: Không chủ quan với dịch Covid-19 hậu Tết Nguyên đán
Những món ăn tốt cho sức khỏe, dễ tiêu hóa
Cháo nóng thịt băm hoặc cá (ít mùi tanh), với các loại củ thái nhỏ (cà rốt, củ dền,...) thêm hành và một ít rau thơm (kinh giới, tía tô) sẽ giúp người bệnh giải bớt cảm giác sốt.
Các món canh súp hầm xương, hoặc các món canh nấu với củ sen, táo tàu, câu kỷ tử,… sẽ giúp bữa ăn của người bệnh thêm ngon miệng hơn.
Nếu người bệnh mệt mỏi, ngán ăn cơm, có thể xen kẽ các món nước như nui, bánh canh, mì, cùng với xương hầm, sẽ giúp người bệnh không bỏ bữa. Trong những ngày có triệu chứng mệt mỏi hoặc mất vị giác khiến người bệnh chán ăn, nên chia nhỏ bữa ăn, khoảng 5 bữa/ ngày, để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng trong ngày.
Những nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng, theo bác sĩ Vân, bao gồm việc bệnh nhân cần ăn đầy đủ các nhóm chất cơ bản.
* Chất đạm: là nguyên liệu tạo các kháng thể giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật, vận chuyển các dưỡng chất. Chất đạm có trong các thực phẩm như thịt, cá, đậu, đỗ, sữa và các chế phẩm, trứng.
* Chất bột đường: cung cấp năng lượng cho tất cả các hoạt động của cơ thể, trong một số tế bào và mô như hồng cầu và não bộ, là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất. Có thể tìm thấy trong các loại đậu và các loại rau củ có nhiều tinh bột như khoai tây, bắp, bánh mì...
* Chất béo: cung cấp năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K. Các loại dầu, mỡ, bơ, trong thành phần của thịt, sữa, trứng, các loại hạt có dầu.
* Vitamin và khoáng chất: nhóm chất này không sinh ra năng lượng, tuy nhiên lại có vai trò rất quan trọng. Một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao thể trạng, đặc biệt có thể dễ tìm mua trong mùa dịch.
* Vitamin C: hạn chế sự tiến triển của viêm phổi, hỗ trợ chức năng hô hấp. Vitamin C có nhiều trong rau quả, trái cây như: cam, chanh, ổi, đu đủ, bưởi...
* Vitamin D: hỗ trợ chức năng của hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn cung cấp trực tiếp từ ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày. Nếu nhà ở không có ánh nắng chiếu vào, người bệnh có thể bổ sung vitamin D qua các thực phẩm như cá, lươn, sữa, lòng đỏ trứng, các loại sữa, ngũ cốc...
* Kẽm: giúp điều hòa miễn dịch, điều hòa các phản ứng viêm. Các loại thực phẩm giàu kẽm như: thịt gia cầm, thịt bò, lòng đỏ trứng, các loại hạt đậu, vừng...
Hạn chế những thực phẩm nào?
Dẫn tin từ Vietnamnet BS. Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho biết, khi nhiễm Covid-19 bữa ăn của người bệnh nên hạn chế đường (lượng chỉ ba thìa cà phê (dưới 15 gr/ngày). Đối với người có bệnh lý đái tháo đường, nên duy trì việc hạn chế lượng tinh bột và đường như trước bệnh, không nên dùng những trái cây có hàm lượng đường cao như sầu riêng, mít, nhãn,…
Hạn chế nêm nhiều muối (lượng muối khuyến cáo trong ngày là dưới 6 gram. Mỗi bữa ăn của bệnh nhân chỉ nên dùng khoảng gần 2 gram muối hoặc gần 10ml nước mắm). Không nên sử dụng chất kích thích (caffein, chất có cồn) trong giai đoạn bệnh, vì sẽ tạo áp lực lên sự chuyển hóa của cơ thể.
Đối với người bệnh với thể trạng thừa cân, béo phì, trong giai đoạn bệnh cũng nên duy trì chế độ ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ 3 bữa chính trong ngày, kết hợp các loại thực phẩm như đã nói trên. Cơ thể trong giai đoạn này đang chịu căng thẳng từ việc nhiễm bệnh, nên rất cần cung cấp đủ dinh dưỡng, không nên nhịn ăn bỏ bữa để giảm cân. Duy trì vận động nhẹ nhàng, tập thể dục 30 phút/ 1 ngày và giữ tinh thần lạc quan là điều quan trọng nhất.