Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tất cả các loại vaccine không bao giờ bảo vệ 100%.
- Nhiều người hoang mang khi chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 đột ngột 'biến mất', Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế nói gì?
- Hà Nội nhận gần 1 triệu liều vắc xin Sinopharm, sẽ tiêm cho tuyến đầu, phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi
Theo Pháp luật TP.HCM, chiều 12/9, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã có trao đổi với báo chí về vấn đề vì sao tiêm hai mũi vaccine COVID-19 vẫn mắc bệnh và tử vong.
Theo đó, bác sĩ Châu cho biết, sau khi tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 thì cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ, ngăn chặn khả năng bệnh nặng. Khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì trong cơ thể có kháng thể đầy đủ hơn, không bị nhiễm bệnh, không bị bệnh nặng.
Cũng theo bác sĩ Châu, về mặt khoa học, tất cả các loại vaccine đều có tỉ lệ bảo vệ và không bao giờ bảo vệ 100%. Tỉ lệ bảo vệ của tất cả các vắc xin hiệu quả hiện nay được Bộ Y tế công nhận dao động từ 70 - 80%. Như vậy vẫn có 20% sau khi tiêm vắc xin COVID-19 xong vẫn bị nhiễm, riêng chủng Delta có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch nên vắc xin, hệ thống kháng thể của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được. Hiện chủng Delta là chủng làm cho rất nhiều người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn bị nhiễm bệnh.
Đáng lưu ý, ở những người lớn tuổi, tỉ lệ bảo vệ bởi vaccine COVID-19 thấp hơn. Người trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine được bảo vệ từ 80-85% so với tỉ lệ này là 90% là ở người trẻ hơn.
“Theo thống kê trên thế giới, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nhiễm bệnh nhưng được bảo vệ không bị bệnh nặng, không cần thở oxy và điều trị hồi sức tích cực với tỉ lệ 90%, còn lại 10% vẫn diễn biến nặng và tử vong. Có nhiều lý do và không phải trường hợp nào kháng thể cũng bảo vệ được cơ thể và tác động của virus lên cơ thể”, - BS Vĩnh Châu thông tin.
Sự khác biệt giữa người đã tiêm và chưa tiêm vắc xin Covid-19
Mới đây, báo Thanh Niên dẫn tin từ CNN cho biết, một bác sĩ, tiến sĩ ở St. Louis, Missouri (Mỹ) đã phát hiện sự khác biệt về tình trạng phổi giữa những bệnh nhân đã tiêm vắc xin Covid-19 và chưa tiêm, khi cả 2 đều bị nhiễm Covid-19.
Trong đó, đối với người chưa chủng ngừa, phim chụp X-quang có màu trắng đục, bác sĩ Kamel giải thích có thể đó là vi khuẩn, chất nhầy hoặc chất tiết, theo đài truyền hình KSDK tại St. Louis (Mỹ). Bác sĩ Kamel nói, những bệnh nhân này chắc chắn ít nhất sẽ cần ô xy và đôi khi còn cần nhiều thứ khác nữa. Họ có thể cần cả máy thở hoặc đặt nội khí quản khi thở máy, cần dùng thuốc an thần và căn bản là cần hỗ trợ sự sống, theo CNN.
Còn phim chụp X-quang phổi của người đã tiêm chủng thì rõ ràng hơn nhiều. Như bác sĩ Kamel giải thích, trong phim chụp X-quang của họ, phổi có màu đen và chứa đầy không khí.
Trong khi ở người chưa tiêm chủng, phim chụp X-quang phổi của họ phần lớn là màu trắng, thì phim X quang phổi của bệnh nhân đã tiêm chủng trông tối hơn, với nhiều màu đen hơn, theo CNN.
Theo bác sĩ Kamel, những người đã tiêm chủng nếu phải nhập viện do Covid-19, hầu hết không cần chăm sóc đặc biệt như những bệnh nhân chưa tiêm chủng. Bác sĩ cho biết thêm, bệnh nhân đã tiêm chủng hiếm khi cần phải vào phòng hồi sức tích cực hoặc cần hỗ trợ sự sống, trừ những trường hợp có bệnh nền hoặc bị suy giảm miễn dịch, theo CNN.