Chảy máu cam là tình trạng thường gặp. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các nguyên nhân cũng như cách chữa chảy máu cam tại chỗ nhanh nhất.
- Lá thầu dầu tía có tác dụng gì?
- Tác dụng của sữa ong chúa và những người không nên uống sữa ong chúa
Chảy máu cam là một tình trạng sức khỏe thường gặp, bài viết này sẽ cung cấp bạn các thông tin về cách chữa chảy máu cam, chảy máu cam nhiều là dấu hiệu của bệnh gì, cách trị chảy máu cam, bạn hãy chú ý theo dõi nhé!
Chảy máu cam là bệnh gì?
Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi, là tình trạng sức khỏe có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào và bất kỳ ai, cả ở trẻ nhỏ lẫn người lớn. Thực tế việc chảy máu cam thường vô hại đối với hầu hết chúng ta. Chảy máu cam có thể xảy ra ở một hoặc hai bên mũi. Thông thường, khi một bên mũi bị tắc nghẽn một phần do có cục máu đông, máu có thể chảy ra từ phía bên kia hoặc chảy xuống phía sau cổ họng.
Nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam
- Do các chấn thương nhỏ như lấy tay ngoáy mũi, chọt vào mũi, hoặc do các chấn thương mạnh như va đập trực tiếp vào mũi, té ngã, bị đấm vào mũi;
- Do có các dị vật hoặc côn trùng trong mũi;
- Viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm mũi, cúm, cảm lạnh,…
- Lệch vách ngăn mũi, ung bướu, cao huyết áp, giảm tiểu cầu, phình mạch hoặc các bệnh rối loạn quá trình đông máu;
- Do không khí khô, quá nóng hoặc quá lạnh, làm nứt nẻ mũi, chảy máu;
- Bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông máu, tiếp xúc hóa chất, thuốc lá;
- Cũng có nhiều trường hợp bị chảy máu cam chảy không rõ nguyên nhân, máu chảy bất thường rồi tự cầm;
Cách chữa chảy máu cam
- Trước hết cần trấn an, giữ cho người bệnh bình tĩnh để tránh máu chảy nhiều hơn;
- Tránh dụi mũi khi thấy máu cam để có thể xác định máu chảy từ mũi nào, sau đó lau sạch mũi;
- Tránh đặt người bị chảy máu cam nằm, thay vào đó cho họ ngồi thẳng, giữ đầu luôn cao hơn vị trí của tim để giảm huyết áp trong tĩnh mạch mũi. Nghiêng thân người bệnh về phía trước để tránh máu chảy về sau cổ họng gây sặc, kích ứng dạ dày, đau bụng nôn ói, làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp chặt 2 lỗ mũi trong vòng 10 phút, cho nạn nhân thở bằng miệng. Cẩn trọng chỉ ấn một bên cánh mũi, không động vào xương sống mũi, không thả tay sớm hoặc ấn thả nhiều lần để tránh làm máu chảy kéo dài;
- Nếu nguyên nhân gây chảy máu cam là do va chạm mạnh hoặc do côn trùng, đã thực hiện động tác sơ cứu này mà máu vẫn không có dấu hiệu ngừng hoặc ngừng rồi lại chảy, người bệnh là người huyết áp cao, người bệnh có triệu chứng đau đầu, nôn mửa thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
Cách hạn chế bị chảy máu cam
Một số cách để hạn chế tình trạng chảy máu cam có thể kể đến như:
- Sử dụng sản phẩm nước muối xịt mũi giúp giữ ẩm bên trong mũi;
- Sử dụng máy tạo độ ẩm cho không khí trong nhà để tránh bị khô mũi khô, đặc biệt là trong những tháng lạnh, khô của mùa đông;
- Môi trường mũi bị khô là một trong những nguyên nhân thường xuyên gây chảy máu cam, vì vậy cần giữ ẩm màng mũi bằng cách dùng tăm bông bôi sáp dưỡng da mỏng vào trong mũi, nhất là trước khi đi ngủ. Bạn nên ra các cơ sở y tế để được tư vấn loại sáp dưỡng da phù hợp. Ngoài ra, có thể sử dụng nước muối rửa mũi, sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà vào những tháng mùa đông lạnh khô;
- Không ngoáy, móc, chà xát mũi, hắt xì quá mạnh. Đối với trẻ em cần cắt ngắn móng tay thường xuyên và dạy bé không được ngoáy móc mũi. Tránh xa thuốc lá, khi sử dụng các chất hóa học, cần có khẩu trang hoặc thiết bị bảo hộ chuyên dụng;
- Không lạm dụng các thuốc cảm lạnh và thuốc dị ứng thường xuyên, bởi những thành phần trong thuốc có thể làm khô mũi khiến tình trạng chảy máu mũi trầm trọng hơn. Khi sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ;
- Khi đi xe hơi cần thắt dây an toàn, đi xe máy cần có mũ bảo hộ kín đầu để bảo vệ khuôn mặt. Đồng thời, khi chơi các môn thể thao đối kháng như boxing, karate, hay đá bóng, bóng rổ cần chú ý có biện pháp bảo hộ để tránh các chấn thương vùng mặt;
- Người thường xuyên bị chảy máu cam cần có biện pháp nghỉ dưỡng phù hợp, không làm việc gắng sức để tránh máu chảy tiếp.
Chảy máu cam nên ăn uống gì?
Người bị chảy máu cam thường xuyên nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, quất, bưởi, dâu tây, việt quất,... Người bệnh cũng cần bổ sung vitamin K để ổn định quá trình đông máu. Vitamin K có nhiều trong các loại thực phẩm như súp lơ, măng tây, bắp cải, húng quế,…Ngoài ra, cần tránh các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ và các chất kích thích để không làm tình trạng trầm trọng hơn.
Chảy máu cam thường không nguy hiểm và không để lại biến chứng. Nhưng nếu tình trạng chảy máu cam kéo dài với mức độ nghiêm trọng, đi kèm theo đó là các triệu chứng đau bụng, nôn ói thì chảy máu cam có thể gây nguy hiểm, người bệnh cần được đưa tới các cơ sở y tế để có biện pháp sơ cứu và điều trị thích hợp. Thông qua bài viết này chúng tôi mong bạn đã trang bị được các kiến thức về cách chữa chảy máu cam tại chỗ.