Chị H luôn có cảm giác bụng đầy hơi nghĩ do rối loạn tiêu hoá. Khi uống thuốc không đỡ, chị đi khám mới biết mắc căn bệnh ung thư hiếm gặp.
- Biến thể mới của Covid và đòn tấn công gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng: Tết này tụ họp đông người cần đặc biệt lưu ý
- Tiêu thụ thường xuyên thuốc nhuộm thực phẩm gây ra bệnh viêm ruột: Thói quen mê món ăn màu rực rỡ người Việt hay mắc phải
Khoảng hơn 3 tháng gầy đây, chị N.T.H (39 tuổi, Hà Nội) thường xuyên có cảm giác bụng đầy hơi. Lúc đầu chị H nghĩ có vấn đề về tiêu hóa nên đi khám tại phòng khám tư. Bác sĩ thông báo chị bị rối loạn tiêu hóa, kê đơn thuốc nhưng chị uống không thấy đỡ. Kiểm tra lại tại bệnh viện huyện kiểm tra phát hiện có u buồng trứng, bác sĩ khuyên chị tới khám tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân có một khối u buồng trứng to, nhiều dịch tự do trong ổ bụng. Nghi ngờ khối u ác tính, bệnh nhân đã được chỉ định kiểm tra chuyên sâu.
Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp MRI, kết quả cho thấy hình ảnh nang đa thùy có thành phần đặc, tính chất ác tính, nhiều đám và nốt phúc mạc ổ bụng và tiểu khung. Chẩn đoán người bệnh có u ác buồng trứng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt u, khối u sau mổ sẽ được sinh thiết tức thì.
Bệnh nhân H được chẩn đoán có u tế bào mầm buồng trứng ác tính hiếm gặp, u túi noãn hoàng buồng trứng có độ ác tính cao, tiến triển nhanh.
Khi phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn chị H đã lo lắng. Chị H chia sẻ: "Thời điểm ban đầu khi biết mình mắc bệnh, mình rất suy sụp nhưng sau khi được các bác sĩ và nhân viên y tế khoa Ung bướu phụ khoa động viên mình đã quyết tâm điều trị bệnh".
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để triệt căn khối u. Sau khi phẫu thuật loại bỏ thành công khối u, bệnh nhân tiếp tục được điều trị hóa chất.
Theo ThS.BS Nguyễn Khắc Toàn, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đây là một ca phẫu thuật phức tạp, đầy căng thẳng do ổ bụng bệnh nhân có hơn 3l dịch hồng loãng; khối u buồng trứng to, kích thước 7x9x10cm; phúc mạc tiểu khung và trực tràng có rất nhiều nhân di căn.
Khối u đã xâm nhập các tạng xung quanh và trực tràng. Sau khi loại bỏ khối u thành công, bệnh nhân tiếp tục được điều trị hóa chất. Sau 4 chu kỳ điều trị, tình trạng của người bệnh đã cải thiện rất nhiều.
"Đây là khối u có chỉ số ung thư AFP rất cao, lên tới 26.352, trong khi chỉ số này ở người bình thường là dưới 7. Trường hợp này, bệnh nhân được phát hiện muộn, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn III-C, nếu được phát hiện sớm khi bệnh ở giai đoạn I-C hoặc giai đoạn II thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. Tuy vậy, dù tình trạng ban đầu rất nặng nhưng bệnh nhân đã được phẫu thuật loại bỏ khối u, quá trình phục hồi hậu phẫu nhanh, đáp ứng thuốc nên sức khỏe hiện tại rất tốt", ThS.BS Nguyễn Khắc Toàn chia sẻ.
Với ca bệnh u túi noãn hoàng buồng trứng hiếm gặp, không chỉ khó về chuyên môn, đòi hỏi phẫu thuật thành công mà việc điều trị sau đó cũng rất quan trọng để bệnh nhân có một cuộc sống tốt hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo chị nên nên đi khám sản phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện bất thường có thể can thiệp sớm tiên lượng sẽ tốt. Trong trường hợp, có những sự bất thường về kinh nguyệt, đau bụng kéo dài thì nên đi khám sớm.