Thời gian gần đây, số lượng người đi khám các bệnh lý về chuyển hóa, hô hấp, tim mạch tăng mạnh, phần lớn do thói quen ăn uống.
- Tưởng chừng vô hại, vết bầm tím trên da khiến người đàn ông nhiễm trùng, phải cưa chân
- Dự đám tang người vừa mất, 9 người nhiễm virus tử vong: WHO cảnh báo về khả năng bùng dịch
Vì sao bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch tăng?
Theo Báo Tuổi Trẻ thông tin, ghi nhận tại các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM..., số bệnh nhân thăm khám các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiêu hóa, gan mật, hô hấp, tình dục có xu hướng gia tăng...
Bệnh nhân chủ yếu đến khám các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh gút...), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng...) và đặc biệt là các biến chứng của bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não...).
Bác sĩ Phí Hải Anh, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho hay nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến nhiều người xáo trộn thói quen ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, chất béo, bia, rượu, nước ngọt… Trong kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân thường có thói quen thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, béo, cộng thêm việc thay đổi thời tiết là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tăng sau Tết.
Trẻ mắc bệnh về hô hấp chiếm 60 - 70%, trong khi đó các bệnh lý về tiêu hóa khoảng 20%, còn lại là các loại bệnh khác. Trẻ nhập viện trong tình trạng thường là sốt cao, khó thở, ho có đờm...
Theo bác sĩ Thiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc các bệnh về hô hấp như ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng không được đảm bảo trong dịp Tết như đi chơi xa ăn uống thất thường, dễ bị bệnh, thời tiết thay đổi.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - trưởng khoa nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho hay những ngày qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm và thủy đậu tới thăm khám. Bệnh cúm thông thường có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, từ đó dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Hải Anh cũng khuyến cáo đây cũng là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển có thể gây ra rất nhiều nguy cơ gây bệnh như bệnh đường hô hấp (hen phế quản, viêm khí - phế quản cấp...), viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, thủy đậu...
Vì vậy người dân, nhất là những người có cơ địa dị ứng và tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, cần lưu ý để không bị mắc bệnh.
Cách phòng tránh
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, để phòng tránh các rối loạn chuyển hóa, cần loại bỏ những yếu tố gây xơ vữa động mạch có thể phòng tránh được gồm: tránh béo phì; bỏ hút thuốc lá; điều trị tích cực bệnh tăng huyết áp; kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường; điều trị rối loạn lipid máu; tăng cường vận động thể lực; bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu; tránh mọi căng thẳng (stress); phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn...
Ngoài ra, cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất là tầm soát sớm theo định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của mình và chủ động điều chỉnh. Cần tầm soát định kỳ những bệnh lý thường gặp, tầm soát những nhóm bệnh nhất định trên những đối tượng nhất định (nhóm nguy cơ). Chủ động khám sức khỏe và xét nghiệm định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần. Phát hiện sớm các rối loạn là cách duy nhất để ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý diễn ra.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì yếu tố quan trọng của việc điều trị rối loạn lipid máu là cải thiện lối sống và chế độ dinh dưỡng. Người bệnh cần từ bỏ lối sống tĩnh tại, chăm tập thể dục, chăm vận động. Lời khuyên dành cho người bệnh thường là, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, ít nhất 3 lần/tuần.
Người bệnh cần có một chế độ ăn hợp lý, cân bằng chất béo, đạm, đường, bột, khoáng chất, vitamin… bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể chế độ dinh dưỡng phù hợp với cá nhân.
Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch. Tuy nhiên là yếu tố có thể thay đổi được. Việc thay đổi cần chú ý đến lối sống bao gồm:
+ Chế độ ăn uống khỏe mạnh hợp lý: Hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa toàn phần, thịt xông khói, các phủ tạng động vật. Hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa trans-fat như các loại chiên rán, nhất là chiên rán với loại dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần như quẩy, thịt rán, mì ăn liền.
+ Tập thể dục đều đặn: Tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn các ngày trong tuần, tập đủ mạnh ra mồ hôi (tùy theo bệnh lý đi kèm)
+ Loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu..
+ Giảm cân nếu thừa cân/ béo phì.
Bác sĩ Lê Thị Thu Phương - khoa nội nhi tổng hợp Bệnh viện E (Hà Nội) cũng nhấn mạnh trên Báo Tuổi Trẻ - thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm cần lưu ý vấn đề vệ sinh. "Tại trường học cần phải đặc biệt lưu ý đến khâu vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, cốc chén uống nước, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra, cần phải thường xuyên lau dọn tay nắm cửa và đồ chơi vì đó là nơi vi khuẩn, vi rút trú ẩn", bác sĩ Phương cảnh báo.
Theo bác sĩ Phương, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay, mọi người nên phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giữ gìn vệ sinh nhất là vệ sinh tay, đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng chung đồ dùng như khăn mặt, cốc, chén...