Bệnh đậu mùa khỉ để lại những di chứng ít ai biết. Các nhà khoa học cũng đang đau đầu về vấn đề này.
- Việt Nam sẽ chủ động, nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ
- Những ai dễ mắc, biến chứng nặng và tử vong do đậu mùa khỉ?
Di chứng nặng nề
Trong suốt 4 tháng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, các cơ sở y tế, các nhà nghiên cứu và công chúng đã nhanh chóng cùng nhau xác định cách thức lây truyền của virus, cách ngăn ngừa và cách thức chúng bùng phát trên cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, ít ai chú ý tới những gì xảy ra sau khi bệnh kết thúc.
Sau khi phục hồi từ đậu mùa khỉ, bệnh nhân thường lo lắng chờ đợi trong suốt nhiều tháng để xem liệu căn bệnh này có để lại sẹo vĩnh viễn cho họ hay không. Và trong các cuộc phỏng vấn với hơn 10 người đã nhiễm bệnh cũng như nhiều cơ sở y tế và nhà nghiên cứu khác, NBC News đã phát hiện ra rằng ở một số người, những vết sẹo kéo dài không chỉ về thể chất mà còn trong tâm lý người bệnh. Vấn đề là virus cũng có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho các mô nhạy cảm bên trong cơ thể và gây ra cơn đau dai dẳng hoặc các triệu chứng lâu dài khác.
Vết sẹo để lại sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Benjamin Ryan / NBC News
Matt Ford, 30 tuổi, một diễn viên nhiễm đậu mùa khỉ vào mùa hè vừa qua, cho biết: "Việc người bệnh khỏi và không còn lây nhiễm nữa không có nghĩa là họ đã hoàn toàn trở lại bình thường".
Ford hi vọng những vết rỗ trên mặt sẽ sớm tiêu biến: "Bệnh đã gây ra một số vết sẹo trên cơ thể của tôi, đặc biệt là ở những khu vực nhạy cảm".
Đáng buồn thay, bác sĩ và các cơ quan y tế vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho những gì sẽ xảy ra với người bệnh sau khi khỏi đậu mùa khỉ. Đây là hậu quả của sự khan hiếm thông tin về một loại virus mà cho đến mùa xuân này phần lớn vẫn chỉ xuất hiện ở miền tây và trung Phi.
"Tôi chỉ muốn có thêm thông tin cụ thể, nhưng có lẽ tôi đang đòi hỏi quá nhiều", Brad, 33 tuổi, cư dân khu vực Thành phố New York, nói.
Trong một cuộc trao đổi qua email, ủy viên y tế thành phố New York, Tiến sĩ Ashwin Vasan, thừa nhận sự thiếu sót về kiến thức đối với căn bệnh này, nói rằng: "Dịch bệnh vẫn còn sớm và các loại nghiên cứu dài hạn cần thiết để hiểu rõ hơn về bệnh này vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi đang tiếp tục bổ sung thông tin từ những người đã khỏi bệnh và phục hồi".
Kể từ khi đợt bùng phát chưa từng có lần đầu tiên được phát hiện bởi các cơ quan y tế vào giữa tháng 5, 65.415 trường hợp đã được chẩn đoán trên toàn thế giới, 24.846 trường hợp trong số đó là ở Mỹ - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo.
Mặc dù số trường hợp mắc hàng tuần trên nước Mỹ và trên toàn thế giới đã giảm trong những tuần gần đây - làm dấy lên hy vọng rằng đợt bùng phát có thể được kiểm soát - nhưng mối lo ngại vẫn kéo dài.
Mối quan tâm về ngoại hình
Tiến sĩ James Badenoch, bác sĩ tại Đại học Y khoa Queen Mary tại London, cho biết: "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận thức được tác động của sự kỳ thị liên quan đến con đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ, các nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh và tổn thương da gây biến dạng - tất cả đều có thể góp phần gây ra vấn đề tâm lý".
Hồi tháng 7, Harun Tulunay, 35 tuổi, đã phải nhập viện và là một bệnh nhân nhiễm virus đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài việc bị viêm tuyến tiền liệt, viêm các mô trực tràng và không thể nuốt, bệnh nhân này còn bị một vết thương lớn màu tím đen lạ bao phủ toàn bộ lỗ mũi bên trái. Tổn thương tại vùng này đã lành nhưng các mô sẹo rỗ vẫn chưa biến mất.
"Tôi rất ám ảnh với vết sẹo nhỏ trên mũi của mình và đang sử dụng nhiều loại kem, sợ rằng nó sẽ không biến mất", Tulunay cho biết. Cũng như một tỷ lệ đáng kể những người mắc bệnh đậu mùa khỉ khác, anh cũng bị nhiễm HIV.
Bệnh nhân Harun Tulunay. Ảnh: NBC News
Tiến sĩ Howa Yeung, trợ lý giáo sư da liễu tại Trường Y khoa thuộc Đại học Emory ở Atlanta, cho biết rằng mặc dù hiện tại chúng ta vẫn đang thiếu thông tin về cách chăm sóc các tổn thương do đậu mùa khỉ gây ra, nhưng những gì đã biết về cách điều trị bệnh đậu mùa - như bệnh đậu mùa khỉ thuộc họ orthopoxvirus - cũng có thể có ích.
Yeung khuyến nghị sử dụng chất được gọi là hydrocolloid trên các vết thương, giúp giữ ẩm và thúc đẩy quá trình chữa lành đồng thời giảm thiểu sẹo. Đối với những vết sẹo dày hơn, gel hoặc miếng dán silicon có thể giúp khắc phục tổn thương, đặc biệt nếu việc điều trị như vậy được bắt đầu ngay sau khi vảy bong ra. Ngoài ra, còn nhiều biện pháp tốn kém khác cũng có thể có hiệu quả.
Bác sĩ da liễu lưu ý rằng những người có tông màu da sẫm hơn có nguy cơ bị tổn thương đậu mùa khỉ cao hơn để lại các vết thâm lâu dài, ông ước tính có thể mất từ 3 đến 12 tháng để sẹo mờ đi.
"Một số vết sẹo có thể sẽ lưu lại vĩnh viễn," ông Yeung nói.
Ông khuyên người bệnh nên sử dụng các chất làm sáng da mà bác sĩ da liễu kê đơn, cũng như kem chống nắng có chỉ số SPF cao để ánh nắng mặt trời không làm da đen thêm.
Gerald Febles, 25 tuổi, phải chịu đựng nhiều vết sẹo như vậy. Mặc dù chúng đã dễ nhìn hơn sau khi khỏi bệnh, nhưng sẹo vẫn khiến anh rất phiền lòng. Với hy vọng chúng sẽ cải thiện trong những tháng tới, anh đã thử dùng nhiều loại kem trị sẹo khác nhau, có cả những loại không hề rẻ.
Febles, hiện là quản lí nhân sự của công ty chăm sóc y tế khẩn cấp MedRite, cho biết: "Trước đây tôi rất tự tin vào làn da của mình. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy bất an hơn rất nhiều về bản thân. Tôi thậm chí đã đi đến các quán bar và một số người đã hỏi: 'Ồ, có gì trên cổ anh thế?'"
Febles rất muốn khẳng định rằng anh không có lý do gì để xấu hổ vì đã mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, việc nhớ lại căn bệnh khiến anh cảm thấy đau đớn tột độ, và những câu hỏi như vậy từ mọi người giống như "xát muối vào lòng".