Bộ môn golf không nổi tiếng với mức độ gây chấn thương cao nhưng ngay cả trong số các golfer chuyên nghiệp, chấn thương vẫn xuất hiện.
- Đột tử sau 1 tuần đau vai: Bác sĩ cảnh báo 5 chỗ đau không nên xem nhẹ
- Đột quỵ do thể dục quá sức: Nhận biết và phòng tránh thế nào?
Golf là bộ môn thể thao thời thượng được khá nhiều người lựa chọn để nâng cao sức khỏe, thư giãn tinh thần. Tuy được xếp vào môn chơi cường độ thấp hơn các môn thể thao khác nhưng tỷ lệ người chơi golf gặp phải chấn thương khá cao. Theo thống kê, gần 44% chấn thương gặp ở người trẻ do chơi golf quá nhiều, thiếu kỹ thuật.
PGS.TS Dương Đình Toàn, phó Trưởng khoa Khám xương và điều trị ngoại trú, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Cú swing liên quan đến sự chuyển động lặp đi lặp lại với tốc độ cao của cổ, vai, cột sống, khuỷu, cổ tay, háng, gối… là yếu tố dễ phát sinh chấn thương. Những vùng dễ bị chấn thương là vai, lưng, khuỷu và cổ bàn tay”.
Nguyên nhân chính khiến golfer thường gặp chấn thương có thể kể đến như khởi động chưa đủ, điều kiện chơi không tốt, chơi quá sức hoặc luyện tập quá mức, cú swing gậy không tốt, chơi gián đoạn.
Các tổn thương vùng khuỷu, cổ bàn tay thường gặp
PGS.TS Dương Đình Toàn liệt kê một số chấn thương khuỷu tay ở người chơi golf:
Bong gân, chấn thương dây chằng, bao khớp
Viêm gân
Viêm điểm bám gân cơ. Đau mặt trong khớp khuỷu, gần chỗ nhô cao của mỏm xương (mỏm trên ròng rọc) do viêm điểm bám khối cơ gấp (golfer’s elbow), đau tăng khi duỗi tối đa cổ bàn tay và các ngón tay về phía mu tay. Ngoài ra đau còn gặp ở phía ngoài khớp khuỷu, gần chỗ nhô cao của mỏm xương (mỏm trên lồi cầu), do viêm điểm bám khối cơ duỗi (Tennis’elbow).
Gãy xương móc (một trong 8 xương con ở cổ tay, nằm gần với đầu dưới xương trụ). Khi gậy đánh xuống mặt đất, phản lực từ gậy tác động trực tiếp lên vùng tiếp xúc với gậy là xương móc, nếu phản lực đủ mạnh có thể làm gãy xương móc.
Tổn thương mạch máu do sự va đập trực tiếp và lặp đi lặp lại của gậy vào lòng bàn tay. Hội chứng va đập mô út (Hypothenar Hammer Syndrome) được mô tả bởi tổn thương một nhánh động mạch ở lòng bàn tay khi các cú đánh được lặp đi lặp lại làm suy yếu thành mạch, dẫn đến giãn mạch, có thể gây huyết khối lòng mạch. Biểu hiện của hội chứng là đau cục bộ lòng bàn tay hoặc đau, tê, thay đổi màu sắc đầu ngón tay do gián đoạn cấp máu tới đầu ngón.
PGS.TS Dương Đình Toàn lấy dẫn chứng nữ golfer nổi tiếng Michelle Wie từng gặp phải hội chứng Hypothenar Hammer vào thời gian đầu trong sự nghiệp và điều đó đã ảnh hưởng tới phong độ của cô cho đến sau này. Hoặc trường hợp của golfer Justin Thomas, anh đã không thể tham dự sự kiện PGA Championship lần thứ 101 do vấn đề ở cổ tay chưa hoàn toàn được phục hồi.
Để hạn chế chấn thương nói chung, PGS.TS Dương Đình Toàn khuyên các golfer làm ấm cơ thể đúng cách, tập giãn cơ trước khi chơi; Tăng dần độ dài và cường độ chơi trước các mùa giải; Tập luyện cơ bắp giúp cải thiện cú swing; Làm đúng hướng dẫn của chuyên gia, huấn luyện viên.
Bên cạnh đó đặc biệt lưu ý không được chơi quá sức, tập luyện quá mức, không chơi gián đoạn.
Để hạn chế chấn thương vùng cổ bàn tay nói riêng, PGS.TS Dương Đình Toàn cho biết, các golfer hạn chế đánh quá nhiều bóng trên các thảm tập golf bởi chúng sẽ truyền phản lực lại thông qua gậy và chính cổ tay là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Thay vì chơi trên thảm tập, người chơi nên đánh bóng nhiều hơn trên mặt cỏ tự nhiên bởi chúng sẽ hấp thu phần lớn lực khi gậy tiếp xúc với cỏ.
“Phần grip của gậy nên được thay bằng loại to hơn, mềm hơn nếu cần thiết và nên giảm thiểu lực khi cầm gậy” – PGS.TS Dương Đình Toàn nói.