Vào những ngày Tết, các quý ông thường hay tụ họp và khó tránh khỏi việc uống nhiều rượu. Do đó, vào dịp này hằng năm có rất nhiều người nhập viện vì ngộ độc rượu thậm chí có trường hợp tử vong. Để tránh hậu quả đáng tiếc, bạn cần nắm rõ những dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu.
- Thanh lọc da và cơ thể cho ngày Tết nhiều dầu mỡ, rượu bia bằng những công thức siêu rẻ
- Kẹo gừng thơm phức, dẻo ngon đãi khách ngày Tết
Ngộ độc rượu không phải là vấn đề mới tại Việt Nam. Tuy nhiên vào dịp Tết hàng năm, số người nhập viện hay tử vong vì rượu vẫn tăng, không hề có dấu hiệu giảm sút.
Nguyên nhân chủ yếu là người dùng ham rẻ mà chọn những loại rượu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều người không nhận biết được những dấu hiệu của ngộ độc rượu, dẫn đến việc không kịp đưa bệnh nhân tới bệnh viện, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Ngộ độc rượu là gì?
Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu là do uống phải các loại rượu có chứa nhiều Methanol - cồn công nghiệp. Trong những ngày Tết, lượng tiêu thụ rượu bia tăng cao. Nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã pha Methanol vào rượu để bán cho người tiêu dùng.
Khi xâm nhập vào cơ thể, Methanol có thể được chuyển hóa thành acid formic – một độc tố thường thấy trong nọc kiến. Nếu hàm lượng Methanol trong máu quá cao, cơ thể có thể bị tàn phá nghiêm trọng như suy thận, vấn đề tim mạch hay tổn thương gan... thậm chí có thể gây tử vong.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu
Rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn Methanol do biểu hiện của cả hai khá giống nhau. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận biết được người bị ngộ độc rượu hay không dựa vào những dấu hiệu dưới đây:
- Ói mửa.
- Động kinh.
- Thở chậm (ít hơn tám hơi thở một phút).
- Không thường xuyên hít thở.
- Thân nhiệt thấp.
- Bất tỉnh.
- Môi có màu hơi xanh, các đầu ngón tay có hiện tượng mất nước.
- Bị ngất, nửa tỉnh nửa mê, không thể đánh thức.
Sơ cứu cho người ngộ độc rượu như thế nào?
Khi phát hiện một người đang bị ngộ độc rượu, đầu tiên hãy cố gắng làm cho người đó nôn ra. Tuy nhiên cần lưu ý để phần đầu của người bị ngộ độc thấp hơn ngực, để các dịch nôn không tràn vào phổi gây sặc, tắc thở, thậm chí tử vong. Ngoài ra, biện pháp này chỉ nên áp dụng khi người ngộ độc vẫn còn một chút ý thức, chưa rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Sau khi nôn xong, tránh cho người bị ngộ độc nằm ở nơi có gió lùa kẻo cơ thể dễ nhiễm lạnh và yếu hơn. Chuẩn bị cho người bị ngộ độc những đồ uống giải rượu như trà gừng, nước chanh mật ong, bột sắn dây… hay những món canh hoặc cháo. Sau đó, cần đưa họ đến bệnh viện để được kiểm tra.
Trong trường hợp người say rượu đã rơi vào trạng thái hôn mê, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để được chữa trị.
Hy vọng những dấu hiệu và cách xử trí khi ngộ độc rượu này sẽ giúp bạn có được những ngày nghỉ Tết vui vẻ và an toàn.