Sự thật về phương pháp hỏa liệu trị bệnh quảng cáo "tràn" trên mạng

Sống khỏe 21/11/2018 13:35

Liên tiếp nhiều video được tung lên mạng xã hội để quảng bá cho phương pháp hỏa trị liệu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ. Trong khi cơ quan quản lý khẳng định chưa cấp phép cho phương pháp này thì các cơ sở khẳng định có thể trị bá bệnh bằng… lửa.

Chỉ sau 2 tuần video có nội dung “đốt mỡ làm đẹp” với cảnh một phụ nữ dùng khăn phủ kín người bệnh rồi dùng cồn vẫy lên khăn châm lửa đốt đăng trên mạng xã hội đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem.

Sự thật về phương pháp hỏa liệu trị bệnh quảng cáo 'tràn' trên mạng - Ảnh 1

Hình ảnh đốt người trị bệnh được cắt từ clip quảng bá phương pháp hỏa liệu

Nội dung video trên được thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ trên đường Đặng Quốc Dung, quận 1, TPHCM. Theo thông tin quảng cáo đi kèm video thì phương pháp hỏa trị liệu được thực hiện bằng phương pháp vẩy cồn, châm lửa để tăng nhiệt lên khăn ẩm, mục đích mở lỗ chân lông, lưu thông khí huyết. Sau đó bôi tinh dầu lên con rồng lửa, xuyên qua sự hô hấp của da, chạy thẳng đến vị trí của ổ bệnh trong cơ, xương, máu.

Phương pháp này được quảng bá có tác dụng nhanh chóng đối với các bệnh phong hàn, thấp nhiệt, độc đến đau nhức tê phù, trướng. Mục đích của hỏa trị liệu là điều trị bệnh nhưng không có bệnh thì cũng tăng cường sức khỏe… Đây là phương pháp do ngự y cung đình thời cổ đại của Trung Quốc nghiên cứu để phục vụ vua chúa với đủ khả năng trị bệnh nhanh chóng và tác dụng thần kỳ trong việc hỗ trợ điều trị.

Phương pháp này còn được thổi phồng bằng những câu chữ “có cánh” như: “hỏa liệu có đầy đủ công hiệu điều trị của Đông y, Tây y chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp vật lý trị liệu, tập hợp ưu điểm nổi trội gồm châm cứu một điểm, đánh gió một đường, giác hơi một miếng bé, trị liệu bằng lửa một miếng lớn…

Sự thật về phương pháp hỏa liệu trị bệnh quảng cáo 'tràn' trên mạng - Ảnh 2

Lớp khăn đã tưới cồn trên cơ thể người bệnh cháy lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Không chỉ quảng cáo, thực hiện hỏa liệu cho người bệnh, tại cơ sở Hỏa trị liệu Sài Gòn (đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình) còn liên tục tuyển sinh, tổ chức các lớp đào tạo thu hút rất đông học viên tham gia. Nhiều cơ sở đăng thông tin thực hiện hỏa liệu làm đẹp, trị bệnh tại quận 2, quận 7 cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội.

Trên thực tế, hỏa trị liệu là phương pháp được ứng dụng trong đông y. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này chưa được cấp phép thực hiện tại TPHCM. Thông tin từ Viện Y dược học Dân tộc cho biết, tại Viện đã có hơn 50 người được cấp chứng chỉ đào tạo hỏa trị liệu do Bệnh viện Châm cứu Trung ương cấp. Tuy nhiên, Viện mới chỉ đề xuất xin phép Sở Y tế cho làm thí điểm trên 200 người bệnh nếu thành công sẽ báo cáo kết quả để sở Y tế duyệt danh mục, cấp phép cho phương pháp hỏa trị liệu.

Trước những thông tin về hoạt động hỏa trị liệu đang được quảng cáo, nhiều video xuất hiện trên mạng xã hội, ngày 20/11 Thanh tra Sở Y tế cho biết (từ ngày 13 đến 19/11) đơn vị này đã phối hợp với các phòng Y tế địa phương và đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra tại các cơ sở có thông tin thực hiện phương pháp Hỏa trị liệu gồm: Spa Đông Y Hoa Sen Trắng (số 4, đường số 6, phường Bình An, quận 2); Hỏa Trị liệu Sài Gòn (số 4, Đặng Lộ, phường 7, quận Tân Bình); Hỏa Trị liệu Sài Gòn (số 9 Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình).

Sự thật về phương pháp hỏa liệu trị bệnh quảng cáo 'tràn' trên mạng - Ảnh 3

Hình ảnh đào tạo học viên tại cơ sở Hỏa trị liệu Sài Gòn công khai trên mạng nhưng thanh tra... chưa phát hiện

Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin quảng bá tràn lan trên mạng xã hội, lực lượng thanh tra không ghi nhận hoạt động hỏa trị liệu tại các cơ sở trên. “Các địa chỉ trên, chủ đầu tư vừa thuê mở văn phòng và kinh doanh cà phê chưa phát hiện thực hiện “Hỏa trị liệu. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư các hộ kinh doanh trên kinh doanh đúng lĩnh vực cấp phép không được thực hiện trị liệu khám chữa bệnh”.

Lãnh đạo Sở Y khẳng định, đến nay chưa có cơ sở nào trên địa bàn TPHCM được cấp phép thực hiện phương pháp hỏa trị liệu. Sở Y tế khuyến cáo người dân khi muốn khám chữa bệnh hãy lựa chọn các cơ sở y tế có bảng hiệu, có địa chỉ cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt dộng, người thực hiện khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và chọn phương pháp chăm sóc sức khỏe đã được Bộ Y tế cấp phép.

Các nữ nhân viên văn phòng khi bước vào độ tuổi 30 thường có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn nội tiết tố

Bước sang độ tuổi 30, nữ nhân viên văn phòng sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan đến nội tiết tố bên trong. Do đó, cần chủ động phòng tránh bệnh bằng một số thói quen lành mạnh sau đây.

TIN MỚI NHẤT