Người bị trúng gió thường có các triệu chứng như ớn lạnh gáy, sống lưng, tay chân. Người bệnh cũng sẽ bị chóng mặt, nhức đầu, chảy nước mũi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
- Sơ cứu nhanh chóng khi bị đập đầu xuống đất, tránh biến chứng chấn thương sọ não cực nguy hiểm
- Bị điện giật phải sơ cứu thế nào mới đúng cách, tránh biến chứng tàn phế?
Trúng gió – Triệu chứng có thể gặp ở bất cứ mùa nào trong năm
Trúng gió được coi là hiện tượng mà bất cứ ai cũng khó tránh khỏi trong cuộc sống. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), đối tượng dễ bị trúng gió nhất chính là người già, trẻ nhỏ và những người đang điều trị bất cứ một bệnh nào đó.
Không kể là trời nắng, gió hay trời lạnh, sương giá, trời mưa… bạn đều có nguy cơ bị trúng gió do cơ thể không thích ứng kịp nên mắc bệnh. Sự thay đổi thất thường của thời tiết từ nóng sang lạnh và ngược lại, khi trời giao mùa… cũng là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trúng gió.
"Người bị trúng gió thường có các triệu chứng như ớn lạnh gáy, sống lưng, tay chân. Người bệnh cũng sẽ bị chóng mặt, nhức đầu, chảy nước mũi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể bị hôn mê, chân tay co cứng", lương y Bùi Hồng Minh cho biết.
Vào mùa hè, không phải triệu chứng trúng gió ít có khả năng xảy ra hơn. Thậm chí đây còn là mùa tiềm ẩn nguy cơ rất đáng sợ. Nếu bạn thường xuyên là người bước từ phòng điều hòa ra ngoài nắng đột ngột, hoặc đơn giản gặp thời tiết đang nắng nóng bỗng mưa to, buổi trưa đang nóng mà tối đổi gió lạnh… thì cũng đều dễ bị trúng gió.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết thêm: "Việc chủ quan với thời tiết mùa hè nóng bức, ban đêm thường mặc phong phanh ra đường cũng là ngyên nhân khiến chúng ta bị trúng gió. Bởi lẽ dù là mùa hè nhưng vẫn dễ gặp gió lạnh hay sương xuống. Hoặc buổi sáng sớm ngủ dậy, ngay lập tức mở toang cửa sổ cũng có thể bị trúng gió. Nhất là các quý ông thường có thói quen nhậu khuya vào mùa hè, uống nhiều bia rượu rồi đi về trong đêm sẽ có nguy cơ cao bị trúng gió".
Nếu không được sơ cứu kịp thời, trúng gió có thể dẫn đến di chứng phong thấp, tê thấp, mất khả năng đề kháng… Do đó, sơ cứu đúng cách và kịp thời nạn nhân khi bị trúng gió là bước vô cùng quan trọng.
Sơ cứu đúng cách và kịp thời khi bị trúng gió
Theo lương y Bùi Hồng Minh, để sơ cứu bệnh nhân bị trúng gió cần căn cứ vào dấu hiệu để đánh giá mức độ và làm theo những bước sau:
Trúng gió thể nhẹ
- Làm nóng cơ thể cho người bị trúng gió. Có thể cho bệnh nhân uống trà gừng, uống nước gừng tươi giã nát, làm nóng gan bàn chân, đánh gió theo phương pháp cổ truyền như dùng đồ bạc có cạnh tròn và nhẵn để cạo vào cổ, lưng, bụng, chân, tay cho đến khi đồ bạc xám lại. Những cách này giúp lưu thông khí huyết cho bệnh nhân bị trúng gió. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý, với mẹ bầu và người có tiền sử cao huyết áp thì không nên cạo gió.
- Đối với người bị bất tỉnh cần tác động vào huyệt nhân trung (nằm nằm ngay dưới gốc mũi) ở vị trí 1/3 trên của rãnh nhân trung giúp bệnh nhân tỉnh lại.
- Đặt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân (để tăng lượng máu nuôi dưỡng não), để tư thế nằm nghiêng đầu sang một bên (tránh tụt lưỡi hoặc hít phải chất nôn vào phổi), đắp chăn ấm, tránh gió lùa.
- Cho ngửi tinh dầu, xoa dầu vào huyệt nhân trung sẽ giúp bệnh nhân tỉnh táo hơn.
- Khi bệnh nhân tỉnh lại có thể cho ăn cháo hành, tía tô để giữ ấm cơ thể.
- Có thể cho bệnh nhân đi giác hơi để cơ thể được phục hồi tốt hơn.
Trúng gió thể nặng
Bệnh nhân bị trúng gió thể nặng có các dấu hiệu như hôn mê, tay chân rất lạnh, co cứng… cần nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện. Nếu không, rất có thể sẽ bị nguy hiểm tính mạng.