Để có cái nhìn toàn diện về căn bệnh vảy nến, bạn cần nắm được các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và phòng ngừa tái phát căn bệnh này.
- 6 thói quen vô thức nhiều người mắc phải gây xấu dáng, hại da không ngờ
- 6 vấn đề sức khỏe biểu hiện ở bàn chân mà bạn tuyệt đối không nên bỏ qua
Vảy nến là một căn bệnh ngoài da phổ biến thường gặp. Không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến ngoại hình và tạo tâm lý bất ổn, tự ti cho người bệnh, vảy nến còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thận, huyết áp và tim mạch. Dưới đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh vảy nến để giúp bạn có thể nhận biết và điều trị kịp thời.
Bệnh vảy nến là gì?
Vảy nến là một căn bệnh tự miễn mạn tính gây ra sự tích tụ các tế bào da, có thể xuất hiện ở cả nam và nữ mọi lứa tuổi. Điều này gây ra các vùng da bị tổn thương với vảy, đỏ và viêm. Bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến bất kì phần nào của cơ thể, thông thường là ở phía sau khuỷu tay, đầu gối cũng như da đầu, lưng, mặt, lòng bàn tay và bàn chân.
Tuy không lây nhiễm nhưng vảy nến lại làm ảnh hưởng lớn đến ngoại hình của người bệnh, khiến họ tự ti và xấu hổ mỗi khi tiếp xúc với cộng đồng. Ngoài ra, cảm giác ngứa ngáy mà căn bệnh này mang lại có thể gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn, nếu không được can thiệp kịp thời, vảy nến còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh thận, đái tháo đường hay tác động đến huyết áp và tim mạch.
Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến
Rối loạn hệ miễn dịch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh vảy nến. Hiện tượng này xảy ra là do có sự nhầm lẫn của tế bào máu trắng lympho T bình thường thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Thay vì bảo vệ, chúng quay ngược lại tấn công các tế bào biểu bì, làm kích thích sản sinh tế bào mới trong khi các tế bào cũ chưa kịp đào thải, gây ra các vảy da.
Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân quan trọng không kém. Theo các nghiên cứu, nếu như trong gia đình có cả cha lẫn mẹ đều mắc bệnh vảy nến thì khả năng con của họ mắc phải căn bệnh này là rất cao, chiếm tới 50%. Bên cạnh đó, vảy nến còn có thể do các chấn thương thượng bì, nhiễm khuẩn, môi trường ô nhiễm, tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc bừa bãi, thời tiết, ánh sáng mặt trời hay yếu tố tâm lý gây ra.
Các triệu chứng và phân loại
Có nhiều loại bệnh vảy nến khác nhau và chúng được phân loại dựa trên các triệu chứng của người bệnh. Vảy nến thể đồng tiền là thể điển hình và phổ biến nhất, đặc trưng bởi các tổn thương có đường kính từ 1 - 2cm, với xu hướng tròn như đồng tiền, đỏ thẫm ở ngoài và nhạt hơn khi vào trong. Tiếp theo đó là vảy nến thể giọt gây ra các vết loét nhỏ, màu đỏ trên toàn cơ thể, dễ gặp nhất là ở cánh tay và chân.
Các dạng vảy nến khác là vảy nến thể mảng với các mảng da lớn, đường kính trên 2cm, có khi lớn hơn 10cm, thường xuất hiện ở các vùng tì đè. Vảy nến thể đảo ngược thường xuất hiện ở các nếp gấp của cơ thể. Vảy nến mụn mủ, vảy nến thể đỏ da toàn thân hay vảy nến khớp là các dạng ít gặp hơn.
Cách điều trị và phòng chống tái phát
Vảy nến là một căn bệnh mãn tính, vì vậy nếu bạn lỡ mắc phải, rất có thể bạn sẽ phải thường xuyên chiến đấu với nó trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời. Các phương pháp điều trị phổ biến là sử dụng kem bôi có chứa steroid, thuốc uống bao gồm apremilast, acitretin, methotrexate và cyclosporin. Ngoài ra, trị liệu bằng laser hay thuốc sinh học dạng tiêm là các phương pháp mới được đưa vào sử dụng để làm thuyên giảm bệnh.
Vảy nến dễ bị tái phát do các nguyên nhân bên trong và bên ngoài cơ thể. Để phòng tránh và hạn chế tối đa các nguy cơ mắc bệnh, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh và trái cây cho làn da khẻ mạnh. Bên cạnh đó, việc chăm sóc da và tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa gây kích ứng cũng cực kì quan trọng. Tập thể dục song song với việc thiết lập thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng là một biện pháp giúp cân bằng hệ miễn dịch và làm thoải mái tinh thần, phòng ngừa vảy nến quay trở lại.