Việc đốt nhang thơm là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Tuy nhiên lại tiềm ẩn những tác hại đối với sức khỏe mà nhiều người không hay biết.
- Chọn hoa quả sấy, hạt khô dịp Tết biết những điều này để an toàn cho cả nhà
- Ùn tắc giao thông gây ảnh hưởng sức khoẻ như thế nào?
Những ngày Tết, nhiều gia đình thường thắp hương (nhang) nghi ngút suốt cả ngày dài. Không ít người còn cho rằng đốt nhang mang lại mùi thơm dễ chịu, nhẹ nhàng, giúp thư giãn và tăng cường tập trung. Tuy nhiên, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ Quốc tế Phương Đông, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, việc tiếp xúc với khói hương nhiều trong thời gian kéo dài sẽ gây hại đối với sức khỏe của con người.
Trước đây khói hương nhang không độc hoặc ít độc vì hương được làm từ gỗ hương liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và có các hương vị của thuốc bắc… Khi đốt, hương sẽ tỏa hương thơm không gây hại.
Thế nhưng ngày nay các nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người sản xuất vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng nhiều tạp chất tẩm ướp tạo mùi thơm hơn nhưng chất lượng lại kém đi và độc hại.
“Trong nhang hương ngoài thành phần từ vỏ cây, vỏ quả, thảo mộc, đất sét… còn có hóa chất, phẩm màu, lưu huỳnh, Axit Photphoric, chất tạo mùi, vòng thơm benzene … nên khi cháy gia tăng nguy cơ nhiều loại bệnh tật, trong đó có ung thư phổi”, bác sĩ Mạnh cho hay.
Bác sĩ Mạnh nhấn mạnh thêm, nhang càng thơm, tẩm ướp nhiều hóa chất lại càng nguy hiểm.
Đặc biệt, khói nhang nhiều còn gây bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, tổn thương mắt, chảy nước mắt rất khó chịu, tiếp xúc da lâu ngày cũng gây kích ứng hoặc nhiễm độc kim loại nặng.
Để hạn chế những tác hại của khói hương nhang, bác sĩ Mạnh khuyến cáo:
- Nên dùng nhang có nguồn gốc tự nhiên, không tẩm ướp hoá chất, có mùi hương dịu nhẹ dễ chịu, ít hại sức khỏe.
- Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên đốt lượng nhang vừa phải.
- Nên mở cửa phòng giúp lưu thông khí khi cúng bái.
- Không nên dùng loại có nhuộm màu vàng đỏ, nhũ kim tuyến và loại có mùi hương đậm.
- Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người bị bệnh nền như ung thư, viêm phế quản phổi mãn tính nên hạn chế tiếp xúc nhiều với khói nhang.