Những biểu hiện sau có thể cảnh báo rằng, có điều gì đó không đúng đang xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
- Đừng chủ quan nếu gặp hiện tượng kinh nguyệt không đều vì nó có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh
- Đây chính là những thực phẩm chữa rối loạn kinh nguyệt tại nhà cực hiệu quả, chị em không thể bỏ qua
Có nhiều phụ nữ cho rằng, những biểu hiện như đau bụng hay khó chịu là dấu hiệu chuẩn xác để đánh giá chu kỳ kinh nguyệt của mình. Nhưng đôi khi, các nguy cơ về sức khỏe có thể bộc lộ dưới những biểu hiện tưởng như bình thường. Hãy chú ý tới những dấu hiệu được liệt kê dưới đây – chúng có thể là lời cảnh báo từ cơ thể rằng, bạn đang cần phải gặp bác sĩ.
Chu kỳ của bạn kéo dài (hoặc rút ngắn) đột ngột
Mỗi phụ nữ có thời gian khác nhau đối với chu kỳ kinh nguyệt, nhưng trung bình, mỗi chu kỳ thường kéo dài từ 25 – 30 ngày, trong đó thời gian có "dâu" từ 3 – 7 ngày. Nếu bạn nhận thấy rằng, chu kỳ của bạn dài hơn 35 ngày, hoặc ngắn hơn 21 ngày, bạn cần một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng. Những nguyên nhân gây ra biểu hiện này có thể là các căn bệnh nguy hiểm như chứng lạc nội mạc tử cung, các rối loạn về tuyến giáp trạng.
Bạn đã trễ kinh đến 90 ngày
Có nhiều lý do để giải thích tại sao chu kỳ của bạn chưa đến, bao gồm việc có thai hoặc giai đoạn tiền mãn kinh với những người đang ở độ tuổi từ 40 – 50. Nếu 2 lý do trên không phải là trường hợp của bạn, rất có thể bạn đang rơi vào giai đoạn mãn kinh sớm. Những lý do khác có thể bao gồm sự ảnh hưởng từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sự thay đổi cân nặng đột ngột, rối loạn về hormone, hay thậm chí là cả khi bạn tập luyện thể thao quá mức. Đây là những lý do phổ biến nhất dẫn đến sự chậm kinh.
Hội chứng tiền kinh nguyệt đang làm đảo lộn cuộc sống của bạn
Tập hợp các biểu hiện khó chịu bao gồm đau lưng, căng tức ngực, nổi mụn… là những dấu hiệu bình thường, hay xảy ra trước mỗi kỳ kinh nguyệt từ 7 – 8 ngày và được gọi chung là hội chứng tiền kinh nguyệt. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng sự có mặt của chúng vẫn gây ức chế đối với nhiều người. Có khoảng 30 – 40% phụ nữ gặp phải vấn đề này, và bạn hoàn toàn có thể lờ chúng đi. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy tinh thần của mình trở nên suy sụp, thay đổi cảm xúc thất thường, hay xuất hiện thêm các vấn đề như đau đầu, đầy bụng, chóng mặt, thì bạn nên cẩn thận, bởi đây có thể là biểu hiện của việc thiếu hormone. Trước hết, hãy điều chỉnh lại lối sống của bạn như chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi. Nếu tình trạng không thay đổi, bạn cần đến gặp bác sĩ để được sử dụng các loại thuốc bổ sung hormone.
Lượng máu kinh nguyệt rất nhiều, hoặc thời gian có kinh nguyệt hơn 7 ngày
Nếu bạn thấy mình bị chảy máu nhiều hơn, có thể ở ngưỡng phải thay băng 1 giờ/lần, bạn có thể nghi ngờ mình đang có nguy cơ mắc phải các tình trạng như: polyp hay u xơ tử cung, rong kinh, rối loạn hormones… Trong đó, chứng rong kinh là nguyên nhân phổ biến nhất cho trường hợp này. Việc bị rong kinh kéo dài có thể làm bạn bị thiếu sắt và về lâu dài có thể gây thiếu máu.
Bạn đã 16 tuổi nhưng chưa thấy kinh nguyệt
Độ tuổi trung bình để xuất hiện kinh nguyệt là khoảng từ 8 – 15 tuổi. Nếu bạn đã qua khoảng thời gian này nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng "bà dì" đâu thì đây không phải là một dấu hiệu tốt. Bạn có thể đang mắc phải chứng vô kinh nguyên phát. Nguyên nhân tiềm ẩn của chứng này có thể do mất cân bằng hormone, hay thậm chí là một khối u ở tuyến giáp hay tuyến yên. Các dị tật khác về thể chất tại cơ quan sinh dục nữ cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Trong trường hợp này, bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và được chữa trị kịp thời.