Người già và trẻ nhỏ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thời tiết nắng nóng kéo dài, trong đó những người có tiền sử bệnh cao huyết áp, tim mạch…cần đặc biệt chú ý.
- Muốn chống nắng tự nhiên cho ngày hè hãy thử những thực phẩm tự nhiên này
- Nắng nóng kinh hoàng, Bộ Y tế hướng dẫn 7 cách phòng bệnh, điều số hai ai cũng phải nhớ
Cụ bà vừa bước chân ra khỏi nhà đã phải nhập viện cấp cứu
Những ngày qua Hà Nội bước vào đợt nắng nóng kinh hoàng nhất từ đầu năm đến nay, nhiệt độ ngoài trời ban ngày luôn ở mức trên 40 độ C. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh lý mãn tính kèm theo.
Tại khoa Cấp cứu Nội – Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội), những ngày nắng nóng tập trung rất nhiều các ca cấp cứu đột quỵ, các bác sĩ ở khoa luôn phải làm việc hết công suất.
Quang cảnh cấp cứu tại BV Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội).
Bệnh nhân Hà Thị Thu H. (59 tuổi, ở Trương Định, Hà Nội) là một trong số những bệnh nhân nặng nhất nhập viện trong ngày 2/7. Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, công việc hàng ngày của bà H. là buôn bán ngoài chợ. Bà H có tiền sử huyết áp hơn 10 năm và vẫn uống thuốc đều.
Tuy nhiên, những ngày nắng nóng vừa qua, bà H. liên tục bị đau đầu, nhưng lại chủ quan nghĩ chỉ là đau đầu bình thường nên chỉ uống thuốc như hàng ngày. Sáng 2/7, khi đang đi bộ từ nhà ra cửa hàng, bà H. ngã quỵ xuống đất và được gia đình đưa vào viện trong tình trạng nôn ra máu, hôn mê, nguy kịch.
BSCK II Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là ca bệnh nặng, bệnh nhân bị chảy máu não dẫn đến hôn mê sâu. “Chúng tôi đã tư vấn cho người nhà tiến hành phẫu thuật cấp cứu để hút máu tụ trong não, giảm ép não làm phình não. Tuy nhiên, mổ giải ép máu não là một quá trình điều trị, theo dõi lâu dài. Nhưng không mổ thì bệnh nhân cũng rất nguy kịch”, BS Giang nói thêm, đây là một ca tiên lượng rất xấu.
Người cao tuổi rất dễ đột quỵ trong ngày nắng nóng.
BS Giang cho biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh nhân bị tai biến do huyết áp tăng cao. Những bệnh nhân này hầu hết đều được điều trị huyết áp trước đó nhưng không kiểm soát đúng liệu trình, cộng với thời tiết nắng nóng, gây đứt mạch máu não.
Không chỉ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, một số các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Lão khoa, Xanh Pôn,…trong những ngày nắng nóng vừa qua số lượng bệnh nhân đột quỵ có xu hướng gia tăng.
Theo BS Giang, đột quỵ nắng nóng do hai nhóm nguyên nhân là xuất huyết não và nhồi máu. Nếu bệnh nhân nhồi máu não được đưa đến viện sớm trước 4,5 giờ sẽ được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, giảm cục máu đông. Nếu đột quỵ được nhập viện sớm dưới 6 giờ sẽ có phục hồi nhanh, giảm tỷ lệ di chứng, có thể phục hồi hoàn toàn.
Kín giường bệnh mùa nắng nóng
Không chỉ có đối tượng người già, trẻ nhỏ cũng rất dễ bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày, khoa khám bệnh của BV tiếp nhận 2.500-3.200 bệnh nhi đến khám và điều trị. Nắng nóng đỉnh điểm, áp lực công việc càng nặng nề hơn.
Số lượng bệnh nhi nhập viện không tăng, nhưng lại gia tăng bệnh nhi nặng.
“Trong những nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhi thực tế giảm so với trước đây, do đang là thời gian nghỉ hè, nhiều trẻ rời Hà Nội về quê. Tuy số lượng bệnh nhân đến khám giảm, nhưng số lượng bệnh nhân nặng lại gia tăng”, TS.BS Nguyễn Thị Út – Trưởng khoa Khám bệnh 2 cho biết.
Có mặt tại khoa Hồi sức tích cực, nơi điều trị cho những bệnh nhi nặng nhất tại BV Nhi Trung ương, TS.BS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa cho biết, một tháng nay, số lượng bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải.
"Theo chủ trương của bệnh viện và Bộ, riêng khoa Hồi sức cấp cứu, mỗi cháu vẫn nằm một giường, nhưng số máy thở chúng tôi chỉ có hơn 10 máy. Mọi khi tiếp nhận các cháu là chúng tôi có sẵn giường nhưng tình trạng như thế này thì các cháu sẽ phải nằm chờ, thở máy tại khu cấp cứu đêm, sau khi có giường trống chúng tôi mới nhận được."
Những bệnh nhi nặng được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - BV Nhi Trung ương.
Theo BS Anh Tuấn, trong những ngày nắng nóng vừa qua, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng bị viêm não Nhật Bản, nhiễm trùng và đặc biệt là tình trạng trẻ bị đuối nước nhập viện tăng nhanh, 1 tuần có tới 4 trường hợp nặng vào viện.
Để phòng bệnh cho trẻ mùa hè, BS Tạ Anh Tuấn cho biết, cần phải thường xuyên chú ý đến trẻ, vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ vitamin, khoáng chất và ở nơi thông thoáng. Với các bệnh đã có vắc xin phòng, phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn số 748/KCB-QLCL đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, cơ sở y tế đảm bảo công tác khám, chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các tỉnh, các bệnh viện theo dõi chặt chẽ tình hình nắng nóng để triển khai các biện pháp chống nóng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tại khoa khám bệnh của các bệnh viện phải đảm bảo tiêu chí chất lượng theo quy định, bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt đảm bảo thoáng mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp thêm điều hòa (nếu có điều kiện); cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh. Bên cạnh đó, để tránh người bệnh phải chờ lâu, các bệnh viện tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu ngay từ ban đầu.
Còn tại các khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể của từng bệnh viện có thể lắp thêm quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết đảm bảo cho người bệnh được nằm điều trị trong môi trường thoáng mát; hạn chế tình trạng nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly; kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây chéo các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện.
Đặc biệt, các cơ sở y tế phải đảm bảo đủ cơ số thuốc cấp cứu , giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như: Các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ, hô hấp, tiêu hóa… Đồng thời chủ động tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não…
“