Sơ cứu sai cách khi bị gãy xương, dù nặng hay nhẹ, đều có thể dẫn đến sốc mất máu do tổn thương xương và mô mềm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do mất máu.
- Học cô nàng An Toe bí quyết giảm ngay 8kg trong 7 ngày nhờ 2 chế độ ăn này
- Đây chính là những cách giảm đau dạ dày tức thì mà không phải ai cũng biết, bạn sẽ ‘tiếc hùi hụi’ nếu bỏ lỡ
Gãy xương – Chấn thương thường gặp trong cuộc sống hàng ngày
Tai nạn và chấn thương là một trong những vấn đề thường gặp ở tất cả các nước, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Chấn thương thường gặp nhất chính là gãy xương. Trong các xương bị gãy thì gãy xương cột sống, vỡ xương chậu và gãy xương đùi là nặng nề và nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp biến chứng nặng nề ngay với những chấn thương gãy xương nhẹ nếu không sơ cứu không đúng cách.
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Hà Nội), sơ cứu sai cách khi bị gãy xương, dù nặng hay nhẹ, đều có thể dẫn đến sốc mất máu do tổn thương xương và mô mềm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do mất máu. Chưa hết, gãy xương nếu không được sơ cứu đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ hoại tử chi phải cắt bỏ. Trong trường hợp gãy xương hở, sơ cứu sai cách có thể khiến bạn bị nhiễm khuẩn và viêm xương. Sơ cứu sai cách khi bị gãy xương cũng có thể khiến gây tổn thương thần kinh do mặt cắt nhọn bén của xương gãy, tổn thương mạch máu, gây bầm dập mạch máu hoặc đứt mạch máu lớn, thậm chí mắc hội chứng tắt mạch máu do mỡ.
Do đó, chuyên gia khẳng định, việc sơ cứu đúng cách, kịp thời khi bị gãy xương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp chấn thương chóng lành, tránh mọi biến chứng trước mắt cũng như lâu dài về sau.
"Gãy xương có hai loại bao gồm gãy xương kín và gãy xương hở. Gãy xương kín có nghĩa là ổ gãy không thông với bên ngoài. Trong khi đó, gãy xương hở là gãy xương mà ổ gãy thông với bên ngoài. Loại gãy xương hở được coi là nguy hiểm hơn vì nguy cơ nhiễm trùng cao. Tùy từng trường hợp, chúng ta cần có cách sơ cứu gãy xương đúng, sau đó nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời", PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc cho hay.
Sơ cứu gãy xương đúng cách trong từng trường hợp
Theo chuyên gia, dù là gãy xương kín hay hở thì bạn cũng cần đảm bảo công tác sơ cứu gãy xương tiến hành nhanh chóng, chính xác ngay tại nơi xảy ra tai nạn để tránh biến chứng, bệnh nhân đỡ đau hơn. Các bước sơ cứu gãy xương được thực hiện như sau:
- Nhanh chóng gọi xe cấp cứu để vận chuyển nạn nhân vào bệnh viện.
- Tìm các phương tiện như nẹp tre, gỗ để cố định tạm thời nơi bị gãy xương. Điều này cũng giúp không làm tổn hại đến mạch máu và thần kinh xung quanh ổ gãy xương. Cần chú ý chọn nẹp phải đủ dài để cố định được cả khớp trên và khớp dưới ổ gãy. Ngoài nẹp gỗ, chúng ta có thể sử dụng nẹp thomas, nẹp Kramer, nẹp kim loại, nẹp hơi... sẽ có tác dụng rất tốt.
- Trước khi đặt nẹp cố định cần đệm lót bằng bông gạc để tránh làm tổn thương, gây đau thêm cho chi. Khi sử dụng bông băng, cần chú ý chọn băng to bản để buộc, giữ nẹp cố định, có thể sử dụng dây vải sạch và chắc chắn. Bông cần dạng bông mỡ hoặc đệm mềm để đệm các vùng nẹp tiếp xúc với đầu xương, nẹp, có thể dùng vài hoặc giấy mềm thay thế. Nếu gãy tay, bạn cần có thêm dây đeo chéo để cố định cánh tay.
- Với trường hợp gãy xương kín cần cố định nhẹ nhàng, cẩn thận, phải có người phụ kéo nắn chi liên tục cho tới khi cố định xong.
- Riêng với trường hợp gãy xương hở không được tự ý đẩy đầu xương có nhiều đất cát vào vùng mô mềm. Trong trường hợp gãy xương hở, bạn cần chú ý sử dụng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh khu vực xưng quanh vết thương. Không được đổ trực tiếp thuốc sát khuẩn hay kháng sinh vào vết thương.
- Khi xe cấp cứu đến cần nhanh chóng, nhẹ nhàng đưa nạn nhân lên xe. Lưu ý trong quá trình vận chuyển cần giữ cho bệnh nhân nằm yên, không bị sốc, lay động mạnh.
Để xương gãy mau lành, bạn cần chú ý chế độ ăn uống sau khi sơ cứu và trong quá trình điều trị gãy xương. Nên duy trì ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm cung cấp các vi chất như canxi, magiê, kẽm, phốt- pho, a-xít folic, vitamin B6, vitamin B12… có trong sữa, cá hồi, chuối, rau xanh, ngũ cốc, thịt bò, trứng… Ngoài ra cần tránh uống rượu, đồ uống có caffeine, nước ngọt có gas, thức ăn nhiều mỡ… vì sẽ cản trở quá trình lành xương.