Khàn tiếng kéo dài cũng là một trong những biểu hiện của ung thư thanh quản, đặc biệt với những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc hóa chất...
- Nhiều người quan niệm thịt bò ‘lành’ càng ăn càng bổ nhưng tiêu thụ quá nhiều hóa phản tác dụng: Hệ thống tim mạch ‘báo động’, gan ra tín hiệu ‘xin tha’
- Bệnh nhân đau dạ dày phải ngay lập tức 'kết thân' với những loại thực phẩm 'quý như sâm' này: 'Thấm sạch' dịch vị, bảo vệ niêm mạc
BS Chuyên khoa Tai Mũi họng Hoàng Minh Phú đã chia sẻ trường hợp chú T. (sinh năm 1971), thường xuyên hút thuốc lá và gần đây bị sụt cân. Chú đến phòng khám vì khàn tiếng kéo dài. Bác sĩ Phú kiểm tra và phát hiện ra khối sùi loét ở dây thanh bên phải kèm bất động dây thanh.
Theo lời tư vấn, chú lên bệnh viện Đa Khoa Gia Định để làm các cận lâm sàng cần thiết. Sau khi làm các xét nghiệm, chú T. được chẩn đoán là ung thư thanh quản, khối u xâm lấn vào vùng cơ dây thanh gây mất vận động dây thanh. Chú được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và lên kế hoạch điều trị để kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống.
Ung thư thanh quản là một loại ung thư phổ biến ở vùng đầu cổ, chiếm khoảng 2% trong tổng số các loại ung thư. Ung thư thanh quản có thể gây ra nhiều biến chứng như khàn tiếng, nuốt vướng, ho ra máu, khó thở, hạch cổ…
Nguyên nhân gây ung thư thanh quản
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ung thư thanh quản còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên việc hút thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc với hóa chất, khí thải có liên quan mạnh đến tỉ lệ mắc ung thư.
Một số yếu tố khác có thể tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản là:
- Nhiễm trùng virus HPV (human papillomavirus) ở vùng cổ họng
- Ăn ít rau quả và vitamin A, C, E
- Tiếp xúc với không khí lạnh hoặc ô nhiễm
- Các tổn thương mạn tính ở thanh quản như bạch sản, papillome thanh quản
- Xạ trị vùng trước cổ do ung thư tuyến giáp hoặc ung thư khác
- Viêm thanh quản mạn tính, nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin…
Ung thư thanh quản điều trị như thế nào?
Bạn nên đi khám bác sĩ sớm khi có triệu chứng của ung thư thanh quản. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh và xác định giai đoạn. Các phương pháp điều trị ung thư thanh quản có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp này. Mục tiêu của điều trị là loại bỏ hoặc giảm thiểu khối u, ngăn chặn sự lan tỏa của bệnh và duy trì chức năng của thanh quản. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Theo các nghiên cứu, những người có nguy cơ cao mắc ung thư thanh quản là:
- Nam giới
- Người trên 50 tuổi
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư thanh quản
- Người có thói quen hút thuốc lá hoặc uống rượu
- Người làm việc trong môi trường có chất gây ung thư
Nếu bạn hoặc người thân thuộc nhóm nguy cơ cao này, hãy nên đi khám bác sĩ ít nhất một lần mỗi năm để tầm soát ung thư thanh quản nhé. Bạn cũng nên chú ý đến các dấu hiệu báo động của bệnh, như:
- Khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần
- Ho khan, ho ra máu hoặc có khối u ở cổ
- Nuốt vướng, nuốt nghẹn hoặc đau khi nuốt
- Khó thở hoặc thở rít
- Giảm cân không rõ nguyên nhân