Băng phiến có thể đuổi gián, mối trong tủ quần áo nhưng các thành phần của nó có thể gây hại nhiều hơn lợi và đã không ít câu chuyện đau lòng xảy ra.
- Uống “thứ này” thay vì bia sẽ ít gây tích tụ mỡ nội tạng hơn
- Tiếp xúc với “thứ này” bạn có thể bị nhồi máu cơ tim trong vòng một giờ đồng hồ
Băng phiến có mùi đặc trưng, mùi hóa chất cay nồng không chỉ xộc vào mũi mà còn có thể gây hại cho các thành viên trong gia đình bạn. Do hình dạng giống viên kẹo, chúng có thể bị nhầm với thức ăn và có thể bị trẻ em, vật nuôi nuốt phải, dẫn đến ngộ độc hoặc các vấn đề sức khỏe.
Băng phiến được làm từ hai thành phần chính là naphthalene và paradichlorobenzene. Naphtalen là chất rắn dạng tinh thể màu trắng, được ép thành viên gọi là băng phiến. Naphtalen có tính thăng hoa, tức có khả năng chuyển từ thể rắn sang thể khí mà không cần qua giai đoạn trung gian là chất lỏng ở điều kiện nhiệt độ bình thường. Do vậy, viên băng phiến để trong tủ sẽ bay hơi, tạo mùi xua đuổi côn trùng, rận, rệp...
Nghiên cứu từ Đại học bang Oregon, Mỹ cho thấy, băng phiến hoạt động bằng cách giải phóng các chất hóa học vào không khí. Nếu bạn ngửi thấy nó, rất có thể bạn đang hít phải các chất nguy hại, dẫn đến đau đầu, khó thở và thậm chí là buồn nôn. Một khi mùi đó lan tỏa trong môi trường không khí, nó có thể thấm vào đồ đạc, quần áo, sàn nhà của bạn và rất khó để loại bỏ.
Cách đây không lâu, một bé gái Trung Quốc bị hội chứng tan máu (huyết tán) cấp tính do ngộ độc băng phiến đã gây xôn xao dư luận. Được biết, sự việc xảy ra khi bà mẹ nhận thấy con gái nhỏ gần đây biểu hiện không được lanh lợi, mắt lờ đờ, cử động chậm chạp, phản ứng với âm thanh hình ảnh đều không nhanh nhẹn như khi mới chào đời. Đặc biệt bé rất hay bị trúng gió, da mặt vàng hơn hẳn các bé cùng tháng, người mẹ trẻ liền vội vã đưa con đi khám.
Tại bệnh viện, vừa bắt đầu thăm khám, bác sĩ đã ngửi thấy mùi băng phiến nồng nặc trên cơ thể bé gái. Lúc bấy giờ người mẹ mới giải thích rằng, nhà mình ẩm thấp, khắp nhà luôn để sẵn nhiều băng phiến để chống gián, mối. Qua chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ cho biết, bé gái bị hội chứng tan máu (huyết tán) cấp tính vì ngộ độc băng phiến.
Do bị huyết tán kéo dài trong nhiều tháng, hồng cầu trong cơ thể cháu bé bị vỡ quá nhanh, chưa kịp sản sinh ra lượng mới đủ để bù đắp khiến cháu bị vàng da, thiếu máu não, phản ứng chậm chạp. Nguy hiểm hơn, bé gái 8 tháng này còn bị ảnh hưởng trầm trọng đến não bộ, gây ra tình trạng trì trệ, thiểu năng giống như người bị bệnh down bẩm sinh.
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp nguy hại do thói quen sử dụng băng phiến gây nên.
Các dấu hiệu ngộ độc cấp tính gồm: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, vàng da, tiểu sậm màu, nhức đầu, bồn chồn, kích động, lú lẫn, co giật rồi hôn mê, thậm chí có thể tử vong.
Trong khi đó, ngộ độc mãn tính có thể dẫn đến vỡ hồng cầu làm thiếu máu, gây hoại tử gan, tổn thương thần kinh (nhất là ở trẻ nhỏ), mệt mỏi, cáu gắt, hay chóng mặt, làm việc kém, trẻ em chậm lớn. Bệnh nhân có thể tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp trên (mũi, hầu, họng) và hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phổi) mãn tính, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc (lớp nằm trong cùng của đáy mắt) làm giảm thị lực.
Tổ chức Sức khỏe và Bệnh viện Hoa Kỳ (Department of Health and Hospitals) khuyến cáo bạn không cất giữ băng phiến trong tủ quần áo, ngăn kéo hoặc các phòng trong nhà. Trong trường hợp bạn buộc phải sử dụng băng phiến nên giữ chúng trong hộp kín. Nếu đồ của bạn đã tiếp xúc với băng phiến, cần giặt chúng thật sạch để không có nguy cơ hít phải hóa chất.