Một số bệnh lý tai mũi họng phổ biến ở vùng đường hô hấp trên khiến nhiều người dễ nhầm lẫn với triệu chứng của Covid-19.
- Đừng vì quá ngon mà ăn những món này thường xuyên: Chúng nổi tiếng là thực phẩm 'giảm tuổi thọ' mà bất kỳ ai cũng nên tránh
- 5 bài tập thể dục giảm cân, giảm mỡ chỉ 10 phút mỗi ngày cho người không có thời gian
Triệu chứng của bệnh lý tai mũi họng có một vài dấu hiệu tương đồng với Covid-19 khiến nhiều người dễ nhầm lẫn, do đó việc có kiến thức để phân biệt các dấu hiệu khi nhiễm bệnh là cần thiết và tránh hoang mang.
Triệu chứng dễ nhận biết của Covid-19
Theo kinh nghiệm điều trị của TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), triệu chứng ở người mắc Covid-19 do biến chủng Omicron có một số điểm khác biệt đặc trưng so với chủng Delta trước đây.
Trong đó, ông nhận thấy người nhiễm Omicron dường như ít có triệu chứng sốt hơn so với Delta. Các dấu hiệu hàng đầu của người nhiễm Omicron hiện nay là đau đầu, đau cơ, đau người và viêm đường hô hấp trên.
Trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 đặc trưng bởi các triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất khứu giác, mất vị giác...
Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Minh, Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), Omicron gây tổn thương viêm đường hô hấp trên, gồm các vị trí mũi, xoang, khoang họng...
Ở mức độ nặng hơn, virus tấn công lan dần xuống đường hô hấp dưới, tuy nhiên, Omicron cũng thường ít khi gây viêm hô hấp dưới.
Triệu chứng ở bệnh lý tai mũi họng thường gặp
Tai mũi họng là khu vực đặc thù trên cơ thể người, hỗ trợ con người thích ứng với môi trường xung quanh. Các bệnh lý tai mũi họng thường gặp gồm bệnh lý về họng thanh quản (viêm họng, viêm amidan…), mũi xoang và tai giữa.
Theo TS.BS Lý Xuân Quang - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhiều triệu chứng bệnh lý tai mũi họng thường gặp như ngạt mũi, chảy mũi, đau họng, đau tai, ù tai, nghe kém, khàn tiếng, khó nuốt… Các triệu chứng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau.
Trong đó, viêm mũi dị ứng là bệnh phổ biến nhất với triệu chứng điển hình như chảy nước mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, mất ngủ… Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là sự thiếu thích ứng cũng như sự nhạy cảm của cơ thể đối với môi trường xung quanh.
Viêm tai giữa cũng là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở trẻ dưới 15 tuổi. Nguyên nhân là trẻ em ở độ tuổi này thường mắc các bệnh liên quan đường hô hấp trên nên dễ dẫn đến bệnh viêm tai giữa.
Ngoài ra, trẻ đang phát triển về các chức năng vùng tai mũi họng, đặc biệt là vùng vòi nhĩ liên quan tai giữa và hoạt động của hầu họng.
Bác sĩ Quang chia sẻ thêm trẻ nhỏ từ 2 tuổi đến 6 tuổi cũng thường mắc một bệnh lý khác là viêm VA. VA là tổ chức mô nằm sau mũi thuộc vùng mũi họng, tham gia tạo kháng thể cho cơ thể, hoạt động mạnh trước 6 tuổi.
Khi VA hoạt động quá mức sẽ gây ra tình trạng viêm, tắc nghẽn ở mũi và tai giữa, khiến trẻ nghẹt mũi, khó thở và dẫn đến các bệnh lý khác như viêm mũi xoang, viêm tai giữa...
Điều trị bệnh lý tai mũi họng
Theo bác sĩ Lý Xuân Quang, phần lớn bệnh lý tai mũi họng được chẩn đoán bằng việc thăm khám thông thường, khai thác bệnh sử hoặc nội soi mũi họng.
Tuy nhiên, một số trường hợp cần chẩn đoán chuyên sâu, sử dụng đến các phương tiện xét nghiệm máu, nước bọt, nội soi, siêu âm đầu cổ… để đánh giá mức độ bệnh và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các nhóm thuốc kháng viêm thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý tai mũi họng gồm các loại: thuốc Corticoid, nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nhóm thuốc kháng viêm dạng men.
Do đặc thù của tai mũi họng, ngoài sử dụng thuốc uống hay tiêm, thì các loại thuốc tác dụng tại chỗ cũng được dùng phổ biến như thuốc xịt, xông, thoa...
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong điều trị nói chung phải tuân thủ theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng đường sử dụng, đúng liều lượng và đúng thời gian, do vùng tai mũi họng có niêm mạc rất nhạy cảm.
Bác sĩ Lý Xuân Quang khuyến cáo đối với người bệnh là trẻ em, cần phải đặc biệt lưu ý về liều lượng sử dụng thuốc, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.