Con nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người', cha mẹ tưởng mắc quai bị

Sống khỏe 16/09/2019 05:30

Các bệnh nhi dương tính với vi khuẩn ‘ăn thịt người” nhưng gia đình tự điều trị tại nhà khiến bệnh trở nặng.

Khoảng từ tháng 7 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị cho ba trường hợp dương tính với vi khuẩn whitmore.

Bệnh nhi đầu tiên là em Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, ngụ tại Đức Thọ - Hà Tĩnh), điều trị tại viện 50 ngày, đã xuất viện.

Hai bệnh nhi còn lại là em Hoàng Văn Cao (10 tuổi, ngụ tại Thanh ngọc, Thanh Chương) và Nguyễn Công Hào (11 tuổi, ngụ tại Công Thành, Yên Thành). Cả hai trường hợp đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Con nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người', cha mẹ tưởng mắc quai bị - Ảnh 1

Ba trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ ghi nhận các bệnh nhi khi đến viện đều trong tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai. Tuy nhiên, gia đình cho rằng các em mắc bệnh quai bị nên tự điều trị tại nhà. Khi đến bệnh viện, tình trạng của con đã nặng. Các bác sĩ cấy mủ, xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhi dương tính với vi khuẩn whitmore.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, whitmore là bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây nhiễm trùng máu.

Con nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người', cha mẹ tưởng mắc quai bị - Ảnh 2

Vi khuẩn Whitmore thường sống trong bùn đất và nước. Ảnh: BVCC.

Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh whitmore có thể lên đến 50-60%.

Mùa mưa là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn whitmore phát triển. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu,…

Vi khuẩn whitmore gây bệnh được tìm thấy trong đất, đồng lúa và các vùng nước tù đọng. Người nhiễm bệnh thường tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da hoặc hít phải bụi nhiễm vi khuẩn.

Triệu chứng phổ biến nhất của whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ. Bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp. Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da kèm với sốt và đau cơ.

Bác sĩ khuyến cáo số ca bệnh whitmore thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động. Nếu có trầy xước ngoài da, người dân cần điều trị sớm và triệt để.

Thêm 4 người mắc bệnh Whitmore

Hai bé Hoàng Văn Cao 10 tuổi và Nguyễn Công Hào 11 tuổi bị áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, kết quả cấy máu dương tính Whitmore.

TIN MỚI NHẤT