Những món khoái khẩu dịp Tết tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại khi bảo quản và chế biến, đặc biệt món chân gà không có giá trị dinh dưỡng.
- Nếu buộc phải uống rượu ngày Tết, cần nhớ không nên ăn những thực phẩm này
- Tập luyện kết hợp với những thực phẩm này giúp vòng 3 phát triển để diện đồ đón Tết
Trong những ngày Tết cận kề, tại các siêu thị cũng như trên mạng xã hội các mặt hàng thực phẩm liên tục được chào bán. Các loại đồ ăn được chế biến sẵn như chân gà ngâm giấm, trâu bò gác bếp, khô gà lá chanh... luôn hút mọi đối tượng khách hàng từ nông thôn đến thành thị.
Theo chia sẻ của chị Cẩm Linh, năm nay chị sẽ chuẩn bị các loại đồ ăn “đặc sản” như trâu, bò gác bếp để mang về quê ăn Tết và biếu người thân. Thậm chí, chị còn lên mạng học công thức để tự làm các món ăn đang "sốt" trên mạng như khô gà lá chanh, chân gà ngâm giấm để cả gia đình cùng thưởng thức.
“Trâu bò mình không có đủ nguyên liệu để làm. Còn hai món gà thì mua ở Hà Nội rất nhiều, chỉ cần chịu khó chút là làm được ngay”, chị Linh chia sẻ. Chị Linh cũng cho biết, những ngày Tết nhà nào cũng ngập tràn thịt, bánh nên những món ăn chị mang về đảm bảo sẽ “đắt khách” vì vừa lạ, vừa dễ ăn.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Chuyên gia dinh dưỡng BV Đa khoa Medlatec cho biết, những năm gần đây xu hướng tự làm các món ăn như chân gà, khô gà lá chanh, trâu gác bếp... đang được nhiều người ưa chuộng.
Theo quan điểm của PGS Ninh, việc đổi món cho đa dạng trong những ngày Tết là tốt. Tuy nhiên, những loại đồ ăn chế biến sẵn như vừa kể trên tiềm ẩn vô số các tác hại đối với sức khỏe.
“Chưa bàn đến vấn đề dinh dưỡng, chỉ riêng khâu lựa chọn nguyên liệu, bảo quản và chế biến thực phẩm đã thấy báo đài nói rất nhiều, nên tôi nghĩ độ an toàn của những món ăn này không cao”, PGS Ninh nói.
Riêng đối với món chân gà ngâm giấm xả ớt, PGS Ninh khẳng định giá trị dinh dưỡng trong món ăn này rất ít, bởi chân gà chỉ có da và xương, những bộ phận này cơ thể không hấp thu được.
“Ngoài vấn đề dinh dưỡng, vấn đề bảo quản chân gà cũng rất cần phải bàn đến. Ở nước ngoài, chân gà là những thứ họ bỏ đi, chỉ nghiền cho gia súc. Còn ở Việt Nam có khi chân gà để dồn lại 1 năm, sau đó về ngâm axit, chất tẩy trắng, rồi tẩm ướp các loại phụ gia bán ra thị trường. Khi chế biến, một lần nữa chân gà lại được tẩm thêm mùi vị chua ngọt để lựa miệng người ăn. Như vậy là rất độc hại”, PGS Ninh phân tích.
Đối với các món như thịt trâu, bò khô gác bếp, khô gà lá chanh, gà xé phay… nói về mặt dinh dưỡng cũng không nên hoặc hạn chế sử dụng. Những món ăn này khi được làm khô hàm lượng đạm tăng lên rất cao. Bởi trong quá trình làm khô các chất như mỡ, vitamin, chất béo đã bị giải phóng hết. Chưa kể quá trình bảo quản bị nhiễm nhiều vi khuẩn, nấm mốc có thể gây độc mà bằng mắt thường không thể nhận ra.
“Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan vì ở vùng cao họ không có tủ lạnh, nên họ phải hun khói, sấy khô để bảo quản. Nhưng những loại đồ ăn này không nên lạm dụng, vì sử dụng trong một thời gian dài có thể gây bệnh mãn tính như ung thư”, PGS Ninh nói.
Cuối cùng PGS Ninh cho rằng, trong những ngày Tết sắp tới người dân nên hạn chế những món chế biến sẵn như đã nói trên. Nếu ăn cũng nên hạn chế. “Ví dụ như thịt tươi có thể ăn 100 đến 200 gram, nhưng khi sấy khô chỉ nên ăn 50 gram. Khi ăn cần phải ăn kèm theo rau, vì rau có chất chống oxy hóa, nhanh chóng tiêu hóa loại những chất độc ra ngoài”, PGS Ninh khuyên.