Thời tiết lạnh mùa đông khiến người cao tuổi dễ đổ bệnh, nhất là những người có sẵn bệnh nền. Vì vậy, trong những ngày lạnh, người cao tuổi nên chú ý để phòng tránh những biến cố về sức khỏe có thể xảy ra.
- Nam bệnh nhân 34 tuổi bị tắc mạch máu não cấp khi chơi bóng bàn
- Cách tập luyện để giảm nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi
5 bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa đông lạnh
1. Các bệnh hô hấp
Các bệnh hô hấp phổ biến khi trời lạnh có thể kể đến như cảm cúm, hen suyễn, viêm mũi, viêm họng, viên phổi, viên phế quản, viêm xoang… Đây là những bệnh có thể gặp quanh năm nhưng khi chuyển mùa người cao tuổiy gặp nhất. Biểu hiện của các bệnh này (nhất là viêm mũi, họng dị ứng ) là hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng, ho, tức ngực, có khi gây khó thở… Đa số những căn bệnh này không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng nếu người bệnh chủ quan không điều trị, chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ trở nặng dẫn đến những hậu quả nặng nề.
Người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp khi trời lạnh. Ảnh minh họa
2. Đột quỵ
Người cao tuổi dễ bị đột quỵ trong mùa lạnh, nguyên nhân là do khi nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Trời lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não.
3. Hạ thân nhiệt
Hạ thân nhiệt là chứng bệnh rất dễ gặp vào mùa lạnh. Biểu hiện đầu tiên của chứng hạ thân nhiệt là cơ thể run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, tái xanh hoặc xám, nhịp thở chậm, mệt mỏi…
4. Đau nhức xương khớp
Trời lạnh là thời điểm có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao khiến các gân cơ bị co rút, dịch khớp đông hơn bình thường. Đồng thời, lúc này cơ thể ít vận động hơn nên lưu thông máu kém đi, làm giảm máu nuôi khớp, khiến sụn và màng hoạt dịch khớp bị tổn thương. Khi thời tiết lạnh, áp lực không khí cũng làm rối loạn tuần hoàn, dịch khớp, vận mạch, độ nhớt máu… khiến đau nhức xương khớp, vận động bất tiện.
Đặc biệt, với những người đang mắc các bệnh về xương khớp (thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, và xơ cứng khớp) sẽ tái phát đáng kể. Thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và cứng khớp vào mùa lạnh làm cho người bệnh đau nhức, khó chịu gây rối loạn giấc ngủ, vì vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người cao tuổi.
5. Bệnh đường tiêu hóa
Một số bệnh về đường tiêu hóa như bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) cũng là những bệnh khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, ẩm xuất hiện hoặc tái phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người cao tuổi.
Cách phòng tránh bệnh cho người cao tuổi trong mùa đông lạnh
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng bệnh trong mùa đông lạnh thì việc giữ ấm cho cơ thể là vô cùng quan trọng, đặc biệt không để lạnh đột ngột. Bởi vì, lạnh đột ngột là yếu tố nguy hiểm nhất có thể xảy ra đột quỵ (tai biến mạch máu não). Vì vậy, để tránh lạnh đột ngột, người cao tuổi không tắm nước lạnh (cần tắm nước ấm) và trong phòng kín gió; nên tắm nhanh, trước khi tắm người cao tuổi hoặc người nhà cần chuẩn bị sẵn khăn tắm, quần áo sạch để khi tắm xong lau người và mặc quần áo ngay.
Hàng ngày cần mặc ấm (nhất là giữ ấm phần ngực, cổ, tay, chân, bụng), ngủ ấm, tránh gió lùa, nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm hoặc trời đang mưa.
Nên lưu ý ăn, uống đủ nóng, ấm. Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý (nếu có điều kiện) như dinh dưỡng đủ chất, hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá, ăn nhiều rau vào các bữa ăn chính, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (1,5-2,0 lit bao gồm cả nước trong rau, canh, trái cây). Không lạm dụng nước ngọt, nước có gas và rượu bia để giải khát thay thế nước lọc.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ. Người cao tuổi cần ngủ đủ giấc, khoảng 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
Cân bằng độ ẩm của môi trường xung quanh và nên duy trì tập luyện thể dục, thể thao nhẹ nhàng mỗi ngày.
Khi có các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.