Ở độ tuổi 86, không ai nghĩ một người phụ nữ lại lựa chọn ly hôn. Thế nhưng, với lý do ông chồng “cả đời không một lần rửa bát”, bà Dung (quê Thái Bình) dù đã đến độ “gần đất xa trời” nhưng vẫn nhất định làm điều đó.
- Đàn bà khôn không cần đao to búa lớn nhưng vẫn khiến đàn ông tự nguyện chung thủy bằng 6 tuyệt chiêu đơn giản này
- “Bí thuật” của người phụ nữ thu hút vạn đàn ông, khiến ai ai cũng phải ráo riết theo đuổi
Những hy sinh mong được hồi đáp
Thời trẻ bà Dung công tác trong một cơ quan nhà nước tại thành phố Thái Bình. Tuổi đôi mười bà kết hôn với một người đồng nghiệp (đã qua một đời vợ). Buồn thay, vợ chồng bà không có con. Chính vì thế, mọi việc nhà đều giữ hết phần bà. Không thể chấp nhận được tình cảnh này, bà đã từng vài lần muốn chia tay. Nhưng rồi lại gói gém ý định đó vào lòng vì gia đình can ngăn.
Tuổi già ngày một đến gần, bà Dung cũng như bao người phụ nữ khác, ao ước có được một bạn đời có thể nương tựa, cùng nhau an yên, hạnh phúc. Nhưng không, dù đã đến tuổi, sức đã dần yếu đi, bà vẫn không nhận được sự đỡ đần hay chia sẻ.
“Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt”, bà kể lại những lần tuổi thân, trên VnExpress.
Bà kể những lúc đau ốm ấy, muốn nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, rửa giúp cái bát nhưng đều không được. “Nghĩa vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm mà như người dưng, mình hy sinh cho người ta, chứ chưa từng được đáp lại”, bà Dung nói thêm.
Và rồi, ý định ly hôn của bà cũng đến ngày thực hiện. Tháng 9/2014, bà Dung quyết định đệ đơn ra tòa. Sau gần hai năm giải quyết các thủ tục pháp lý, nhờ sự trợ giúp của các cháu, bà mới được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân.
Ngay sau đó, bà chuyển lên Hà Nội và đến viện dưỡng lão sống, lúc đi chỉ xách theo vài bộ quần áo. Lương hưu hơn 4 triệu đồng, bà Dung được các cháu hỗ trợ thêm để có thể thuê một căn phòng riêng với chi phí hơn 9 triệu mỗi tháng trong viện dưỡng lão này.
Hạnh phúc vợ chồng, vun vén cùng nhau
Câu chuyện bà Dung đòi ly hôn chồng không còn là một điều khó hiểu. Hình ảnh lo toan, săn sóc việc nhà, bếp núc của bà chính là bức tranh toàn cảnh về người phụ nữ Việt bao đời. Đó dường như đã trở thành điều mặc định đối với những người đàn ông.
Năm 2022, dần dần cũng bớt đi những điều như thế nhưng đâu đó chắc hẳn vẫn còn bao nỗi khổ tâm được giấu kín. Đây là thời đại của những con người bình đẳng, cùng sống với nhau, cùng làm việc, cùng bận rộn. Người phụ nữ cũng được học hành, lao động kiếm thu nhập và độc lập tài chính. Vì thế, hai chữ “việc nhà” với họ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu được san sẻ.
Thông tin từ VnExpress, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt): “Phụ nữ bây giờ là phụ nữ công sở nếu không được chồng chia sẻ, họ không thể vừa làm việc nhà vừa đi làm. Người phụ nữ không vui vẻ thì gia đình không thể hạnh phúc”
Bà Tâm cũng cho rằng khi vợ chồng thấy người còn lại vô tâm, cần nói chuyện với nhau để biết mong muốn của người kia với mình là gì, liệu có đáp ứng được không, đáp ứng được đến đâu chứ không nên chỉ giữ trong lòng và bắt người kia phải hiểu. "Để giữ lửa tình yêu thì phải vun đắp. Phải hiểu mối quan hệ bền chặt hay lỏng lẻo do mỗi ngày bỏ vào ngân hàng tình cảm bao nhiêu".
Trong cuộc sống hôn nhân, người đàn ông biết cảm thông và chia sẻ việc nhà với vợ chính là liệu pháp giúp vợ cảm nhận được sự yêu thương và trân trọng. Không chỉ thế, nếu cùng nhau vun vén, hạnh phúc vợ chồng sẽ trọn vẹn hơn.