Tính đến hết ngày 10/2, doanh thu mùa phim Tết Kỷ Hợi ở Việt Nam vượt mốc 250 tỷ đồng, cho thấy sự tăng trưởng của thị trường điện ảnh. Nhưng chất lượng phim Tết chưa cải thiện.
- Trấn Thành phản ứng "lạ" khi bị tố chĩa mũi dùi vào phim "Trạng Quỳnh"
- Nam Em lại khiến cộng đồng mạng ‘dậy sóng’ khi mong chờ cuộc đời mình được chiếu thành phim
Dịp Tết Kỷ Hợi với kỳ nghỉ dài ngày, thời tiết nắng đẹp trên cả nước và số lượng rạp chiếu phim tiếp tục tăng là những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” lôi kéo nhiều triệu lượt khán giả đến rạp để xem phim và giúp cho thị trường tạo được doanh thu đột phá.
Con số 250 tỷ đồng sau 6 ngày tại Việt Nam, mặc dù chỉ bằng khoảng 1/80 so với thị trường Trung Quốc (trên 850 triệu USD) nhưng vẫn là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự khởi sắc của thị trường điện ảnh nội địa.
Năm nay, 3 phim Tết Việt là Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh và Táo Quậycạnh tranh với 3 tác phẩm ngoại là hoạt hình Bí kíp luyện rồng 3, Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì và Đại chiến âm dương của Thành Long.
Phim ngoại năm nay không thực sự nổi trội và tâm lý khán giả Việt vẫn thích xem phim Việt mùa Tết, do đó phim Việt chiến thắng trong cuộc đua năm nay.
Phim Việt thắng, nhưng…
Thành công lớn nhất thuộc về Cua lại vợ bầu, bộ phim hài lãng mạn của đạo diễn Nhất Trung với diễn xuất chính của Trấn Thành và Ninh Dương Lan Ngọc. Theo nhà phát hành, Cua lại vợ bầu đạt doanh thu 108,9 tỷ đồng sau 6 ngày chiếu chính thức cộng các suất chiếu sớm.
Đây là con số chưa thể kiểm chứng một cách độc lập. Nếu chính xác, Cua lại vợ bầu là phim Việt đạt mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất và đang tạm xếp thứ 2 top phim doanh thu cao nhất từ trước đến nay, chỉ sau Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn
Trạng Quỳnh, đối thủ chính của Cua lại vợ bầu, cũng có mức doanh thu khá ấn tượng 70 tỷ đồng, theo nhà phát hành. Trạng Quỳnh có khởi đầu khá tốt trong 3 ngày Tết đầu tiên, nhưng giảm dần trong những ngày sau đó.
Phim hoạt hình Hollywood Bí kíp luyện rồng 3 cũng đạt mức gần 70 tỷ đồng, còn Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì xếp thứ 4 với 18 tỷ đồng. Đại chiến âm dương của Thành Long cũng bị ghẻ lạnh tương tự như ở Trung Quốc, trong khi Táo Quậy - một bộ phim Tết khác của Việt Nam - có doanh thu khá hẻo, chỉ khoảng 2 tỷ đồng.
Những con số doanh thu ấn tượng của mùa phim Tết năm nay cho thấy thị trường phim Tết đang thực sự khởi sắc và tăng dần đều sau mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng của các phim Tết Việt không thực sự tăng là bao.
Điểm sáng duy nhất của phim Tết Việt năm nay - nếu xét ở hai đối thủ chính trên đường đua là Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh - cho thấy tư duy làm phim của các đạo diễn, nhà sản xuất đã có ít nhiều thay đổi.
Tình trạng phim hài nhảm, phim “bánh mứt” luôn nở rộ mỗi mùa Tết đã không còn tồn tại. Cua lại vợ bầu là một bộ phim lãng mạn hài kết hợp với yếu tố gia đình có thể phù hợp với bất cứ thời điểm nào trong năm.
Trong khi đó Trạng Quỳnh khai thác yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam với một nhân vật được nhiều khán giả Việt yêu thích nhờ sự mưu mẹo, hài hước. Tuy nhiên, chất lượng của hai bộ phim này vẫn không đem lại một tín hiệu nào thực sự tích cực cho phim Việt.
Cua lại vợ bầu là bộ phim chỉn chu nhất của đạo diễn Nhất Trung từ trước đến nay nếu so với những bộ phim kiểu tấu hài hay chất lượng phim video - truyền hình trước đây của anh như 2 phần 49 ngày, Nắnghay Bệnh viện ma.
Cua lại vợ bầu có kịch bản tương đối chặt chẽ với một câu chuyện tình yêu tay ba qua diễn xuất của Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc và Anh Tú. Mạch chính của phim vẫn được xử lý trong vòng tròn an toàn, thiếu đột phá và đoạn twist khá sến. Dù vậy, tuyến phụ đề cao yếu tố gia đình hay tình bạn lại khá đáng khen với diễn xuất của Lê Giang, Hữu Châu, Hồng Đào, Mạc Văn Khoa.
Nhưng tựu trung lại, Cua lại vợ bầu vẫn chỉ dừng lại là một phim thuộc dòng rom-com, thể loại an toàn nhất của phim Việt, vẫn sa vào công thức, khuôn mẫu với cái kết “happy ending” như Gái già lắm chiêu hay Chị trợ lý của anh.
Trạng Quỳnh - bộ phim tiếp theo của đạo diễn Đức Thịnh sau thành công của Siêu sao siêu ngố - đáng khen ở cách lựa chọn thể loại, đầu tư bối cảnh từ Nam ra Bắc và phần nhạc nền khá ấn tượng.
Tuy nhiên, điểm yếu của phim nằm hết ở kịch bản, sự mờ nhạt của nhân vật và diễn xuất của diễn viên. Lựa chọn một nhân vật nổi bật trong văn hóa dân gian của Việt Nam nhưng bộ phim không những không tôn được Trạng Quỳnh lên mà còn tầm thường hóa nhân vật qua diễn xuất quá non của Quốc Anh.
Sự khôn ngoan, mưu mẹo của Trạng Quỳnh khi lên phim chỉ còn lại vẻ khôn vặt nhưng đôi lúc lại sa vào ngây ngô. Hành trình đi giải oan cho cha nàng Điềm với bộ ba Trạng Quỳnh, Điềm (Nhã Phương), Xẩm (Trấn Thành) vô thưởng vô phạt, thiếu điểm nhấn, thiếu sự kết nối để làm bật chủ đề của phim.
Tuyến phản diện với nhân vật Trịnh Bá (Công Dương) cũng hoàn toàn thiếu thuyết phục khi để thể hiện sự nguy hiểm của nhân vật, diễn viên này chỉ biết “phùng mang, trợn mắt” với lối diễn xuất nặng về hình thể bên ngoài.
Khi một kịch bản và nhân vật rơi vào minh họa, bối cảnh đẹp của bộ phim không đủ sức để kéo lại và đôi lúc chỉ còn lại vẻ đẹp của một tấm post-card.
Chiêu trò, đấu đá trong mùa phim Tết
Tuy nhiên, chất lượng chưa phải là điều đáng buồn duy nhất của phim Việt trong dịp Tết. Chỉ có 3 phim Việt được tung ra trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, sụt giảm so với các mùa Tết trước (khoảng 4, 5 phim), nhưng cuộc đua chỉ thực sự gay cấn giữa Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh.
Và bắt đầu từ mùng 3 Tết, cuộc đối đầu xuất hiện những tranh cãi, đấu đá không chỉ giữa hai bên, mà thậm chí còn trong nội bộ ê-kíp làm phim.
Trấn Thành “phát pháo” cho rằng Cua lại vợ bầu do anh đóng chính bị “dìm hàng” và chơi xấu trên các trang phim và mạng xã hội. Đức Thịnh chỉ trích Trấn Thành - diễn viên thứ chính trong Trạng Quỳnh - thiếu trách nhiệm khi không ủng hộ bộ phim mà anh nhận cát-xê rất cao (khoảng 1,6 tỷ đồng).
Cuộc tranh cãi, chỉ trích giữa hai thành viên quan trọng trong một đoàn làm phim cho thấy thị trường phim Việt đang mới khởi sắc trở lại vài năm gần đây nhưng đối mặt với không ít những chiêu trò xấu và sự thiếu đoàn kết trong nội bộ những người làm phim.
Chiêu trò bẩn đáng báo động và cần bị lên án nhất trong thị trường phim Việt hiện nay - không chỉ riêng trong mùa phim Tết - là trò “seeding bẩn”.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, thậm chí thao túng và dẫn dắt truyền thông, seeding trở thành một hình thức marketing online ngày càng phổ biến và rất hiệu quả. Nhưng đáng buồn là ở Việt Nam, “seeding” đang bị biến tướng.
Không còn dừng lại ở “word of mouth” (truyền miệng) - hình thức marketing truyền thống cực kỳ hiệu quả trước đây - các “seeder” được thuê tràn ngập khắp mọi trang mạng, vừa thao túng khán giả bằng cách tung hô sản phẩm của công ty trả tiền cho họ mà còn trù dập, chơi xấu đối thủ.
Một “seeder” thậm chí còn sắm nhiều vai, vừa comment, vừa tranh luận, trả lời trên nhiều diễn đàn khác nhau với những câu chữ giống hệt nhau. Người ta gọi “seeder” là những kẻ đa nhân cách là vậy.
Trong những ngày thị trường phim Tết đang cạnh tranh nhau khốc liệt, ê-kíp sản xuất và PR của cả Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh đều lên mạng tự nhận là “nạn nhân” bị đối thủ chơi xấu và tung ra các con số doanh thu không thể kiểm chứng độc lập.
Việc thị trường điện ảnh Việt Nam thiếu một “box office” trung lập để công bố số liệu doanh thu cũng được các nhà sản xuất, phát hành tận dụng để tung ra các con số khó biết là thật hay ảo.
Ở Trung Quốc, thị trường phim Tết năm nay chứng kiến sự đột phá về doanh thu nhờ thay đổi khẩu vị khán giả và dám khai phá những thể loại lạ, dám đầu tư về chất lượng và đón đầu xu hướng. Trong khi đó, phim Tết Việt vẫn “gà què ăn quẩn cối xay”, quanh đi quẩn lại những món cũ, thể loại an toàn đến nhàm chán.
Và khi không đủ tự tin để chinh phục khán giả bằng chất lượng thực sự, các nhà sản xuất, làm phim và phát hành vẫn phải những sử dụng những chiêu trò để thao túng khán giả.
Đó mới thực sự là điều đáng buồn của thị trường phim Việt.