Câu chuyện của gia đình chị Lệ Thu đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người về những tấm gương nghị lực trong cuộc sống và cách nuôi dạy con.
- Em gái Quang Vinh “để quên” con ở trường mẫu giáo, rớt nước mắt khi nghe tiếng con qua điện thoại
- Điều gì có thể xảy ra nếu cha mẹ không xin phép trước khi ôm hoặc hôn con?
Thời gian gần đây, dân mạng truyền tay nhau những hình ảnh một cặp vợ chồng trẻ đi dự lễ khai giảng của con, điều đáng chú ý là cả 2 vợ chồng đều chỉ có một chân.
Được biết, những bức ảnh đẹp của gia đình nhỏ này là của anh Bảo và chị Thu. Chị Nguyễn Thị Lệ Thu năm nay 28 tuổi, vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng tai nạn vào năm 10 tuổi đã vĩnh viễn lấy mất đi chân trái của chị. Còn anh Đoàn Ngọc Bảo năm nay 29 tuổi, anh buộc phải cắt đi chân trái 9 năm trước vì bệnh phù chân voi.
Cả hai tìm được ở nhau những điểm tương đồng về ngoại hình cũng như nghị lực sống phi thường. Cô gái nhỏ vượt qua những nỗi đau về tinh thần lẫn vật chất, kiên trì học tập và tự tin hòa nhập vào cuộc sống đời thường. Năm 2019, chị lọt vào top 10 Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” và hiện tại đang làm một nhân viên kế toán. Còn anh Bảo, bất chấp cơ thể không lành lặn, anh vẫn tham gia chạy bộ, leo núi, trượt patin. Vào năm 2015, anh đại diện Việt Nam dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc với bộ môn trượt tuyết. Họ tìm được sự đồng cảm ở đối phương, quyết định tiến đến hôn nhân và trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều người với lối sống tích cực, lạc quan, nghị lực.
Sau khi kết hôn, họ có với nhau một cậu con trai 22 tháng tuổi là bé Đoàn Minh Trí. Việc nuôi dạy con vốn dĩ luôn có nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt là với gia đình khá đặc biệt như chị Thu và anh Bảo. Chị thổ lộ: “Khi có con, bản năng làm cha mẹ của mình trỗi dậy. Mình tự nhiên biết làm thế nào để chăm con chu đáo và cẩn thận nhất”.
Chị chia sẻ rằng sau hơn 1 tháng kết hôn thì chị biết mình có thai, đây là điều nằm ngoài dự định vì cả hai vợ chồng đều chưa có kế hoạch sinh con. Chị cũng lo lắng vì hai vợ chồng đều khuyết tật sẽ có thể ảnh hưởng đến chuyện con cái, thế nhưng chưa kịp đi khám thì gia đình anh chị đã chào đón thành viên mới. “Mình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc. Trong suốt quá trình thai kỳ, 2 vợ chồng cũng đều đặn đi khám các mốc để xem con có bị ảnh hưởng gì không và rất vui vì con có chỉ số bình thường” – chị Thu chia sẻ lại trong sự hạnh phúc nghẹn ngào.
Đối với hầu hết gia đình, việc chào đón một sinh linh bé nhỏ chào đời luôn là một ngày trọng đại và có rất nhiều kỷ niệm. Ngày con cất tiếng khóc chào đời đến với thế giới này cũng chính là lúc những bậc làm cha, làm mẹ hạnh phúc vô bờ. Và gia đình chị Thu, anh Bảo cũng như thế, chị chia sẻ ngày đấy chính là ngày chị vỡ oà trong niềm hạnh phúc: “Mình là một người phụ nữ khá may mắn vì khi sinh con, mình có chồng ở bên cạnh. Có một chuyện khá hài hước là khi đi sinh, mình là người cầm tay lái, chồng mình xách làn ngồi phía sau. Vì bụng bầu mình to quá, ngồi sau hơi bất tiện nên mình chủ động cầm tay lái luôn.
Lúc nghe con cất tiếng khóc đầu đời, mình cảm thấy nhẹ nhõm vì đã đưa con đến thế giới an toàn. Lần đầu tiên nhìn thấy con, mình đã nói với chồng là: "Con mình trắng thế". Vì cả bố và mẹ đều đen mà con trắng nên cũng vui. Ai ngờ đâu mấy ngày sau, con đen như củ than. Giây phút con chào đời, chồng thì thầm tai mình rằng: "Thế là trong gia đình vợ chồng một chân đã có thành viên hai chân rồi”.
Giai đoạn chăm con mọn được vợ chồng Bảo gọi là thời kỳ “nhảy lò cò”. Hồi mới sinh xong, anh chị luân phiên về nội ngoại. Ở quê nhà tắm, nhà vệ sinh cách xa nhà chính. Bé Minh Trí lại thường xuyên bị trớ nên với Bảo, tiếng gọi "Chồng ơi" giống như còi báo động. Không có thời gian để chống gậy hay đeo chân giả, anh cứ thế nhảy lò cò ra dây phơi lấy khăn, lấy chậu, pha nước ấm. Thay đồ xong cho con, anh lại nhảy ra vòi nước giặt giũ, phơi phóng. "Quay như chong chóng, nhiều lúc nhảy muốn hụt hơi", Bảo cười kể.
Ngày con nhỏ, anh chị bồng con trên tay, nhún nhảy một chân cho con dễ ngủ. Khi con biết trườn, biết bò, tốc độ ngày một nhanh thì tần suất bố mẹ phải nhảy để kéo lại càng dồn dập.
Cũng vì bế con bằng một chân, không ít lần sàn nhà ướt cả chồng cả vợ bị mất thăng bằng: "Rất nhiều lần hú vía như thế, nhưng không hiểu có phải vì bản năng làm cha, làm mẹ không mà chưa lần nào làm rớt con". Họ chia sẻ rằng: “Khi có con thì bản năng làm bố mẹ sẽ trỗi dậy giúp làm được những việc tưởng chừng như không thể”.
Trong cuộc sống hằng ngày, chị Thu và anh Bảo luôn san sẻ cùng nhau công việc thường ngày, anh làm việc này, chị làm việc kia. Mọi khó khăn cũng qua được hết bởi họ luôn hiểu một thực tế "chiếc dép phải thừa của người này vừa khéo thành chiếc dép của người kia". Cả anh chị đều luôn đồng hành cùng con trong mọi khoảnh khắc con trưởng thành. Vào dịp cuối tuần hay buổi tối rảnh rỗi thì đưa con đi chơi công viên.
Khi nhắc về cậu con trai nhỏ, giọng điệu của chị đầy vẻ tự hào, chị cho rằng bé Minh Trí dù hiện tại chưa nói được nhiều nhưng cũng hiểu chân bố mẹ bị như thế: “Mỗi khi bố lắp chân giả, con cũng biết lấy những dụng cụ để đi chân giả rồi đưa cho bố. Con cũng biết nạng là phương tiện đi lại của mẹ, nên ai mà trêu lấy nạng của mẹ, con sẽ phản ứng và đòi lại giúp mẹ. Khi bế bé, nếu mẹ không đi nạng và bố không đi chân, con sẽ tỏ ra là muốn bố mẹ đi chân và đi nạng để bế con chắc hơn.”
Mới đây, vào mùng 5/7, cũng giống như những ông bố, bà mẹ khác, anh Bảo và chị Thu cũng đưa con đến trường trong tâm trạng lo lắng vì sợ bé Minh Trí không thích nghi được với môi trường mới. “Trong ngày đầu tiên đi học, con tưởng là được đi chơi nên rất vui vẻ, lúc đón về con cũng không khóc. Lúc đó vợ chồng mình còn nghĩ là con quen với việc đi học. Thế nhưng từ buổi thứ 2 con biết không phải đi chơi nên nguyên tuần đầu tiên, con khóc. Đến trường thì con đòi về, đêm ngủ con cũng khóc nên hai vợ chồng mình cũng sợ, không biết vì sao con khóc nhiều như thế? Lúc đó mình còn nghĩ có khi nào không cho con đi học được, phải nghỉ luôn không? Vợ chồng mình cũng động viên nhau, cố gắng cho con đi học 1 tháng xem sao.
Trộm vía là từ tuần thứ 2 cháu cũng đã quen với môi trường, với cô giáo và các bạn. Cháu không còn khóc nữa, thích đi học. Buổi sáng bố mẹ bảo đi học là tự xách balo lên và đi” – chị Thu chia sẻ về những ngày đầu chập chững đi học của bé Minh Trí.