Bé tò mò tháo lắp pin của đèn đội đầu đã bị hỏng và đổ keo dán 502 vào pin nên phát nổ, gây tai nạn.
- Thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường, virus cúm gia cầm dễ phát triển: Cảnh báo nguy cơ lây sang người
- MỚI: Đề xuất BHYT hoàn tiền cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư ngoài viện
Theo thông tin từ Người lao động, chiều 11/12, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết bệnh viện này vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhi Huỳnh Tấn P. (11 tuổi; ngụ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) bị đa chấn thương do nổ pin.
Trước đó, lúc 8 giờ 15 phút ngày 30-11, bệnh nhi Huỳnh Tấn P. được đưa vào nhập viện tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng sốc đa chấn thương do mất máu, có vết thương thấu bụng ở vùng hạ sườn phải, vết thương ở bàn tay phải và rất nhiều vết thương nhỏ ở thành ngực, bụng. Người nhà của bệnh nhi cho biết, sáng cùng ngày bé tò mò tháo lắp pin của đèn đội đầu đã bị hỏng và đổ keo dán 502 vào pin nên phát nổ, gây tai nạn.
Các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi ngay sau đó, đồng thời xử lý vết thương bàn tay cho bệnh nhi.
Dẫn tin từ Thanh Niên, thời gian vừa qua nhiều trường hợp trẻ bị thương do pin phát nổ. Theo các bác sĩ, trong trường hợp muốn cho trẻ em chơi những đồ chơi có sử dụng pin như ô tô, trống, kèn, đèn lồng phát sáng… nên sử dụng loại có gắn vít ở chỗ lắp pin để bé không thể tự tháo, lắp pin. Để đồ chơi có pin xa những nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh, nếu có dấu hiệu hư hỏng tốt nhất là nên loại bỏ.
Không để pin ở bên ngoài hộc đựng pin của đồ chơi. Trẻ có thể chơi những khối pin này hoặc thậm chí nuốt chúng, từ đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, các phụ huynh cần giám sát các thiết bị cần sạc pin. Trường hợp khi pin đầy, rút dây cắm sạc, tránh sạc quá nhiều đôi khi làm pin quá tải dẫn đến gây nổ.