Gia đình hiện đại thường chỉ có 1 đến 2 con nên cha mẹ thường đặt nhiều kỳ vọng vào trẻ. Việc này gây nên áp lực rất lớn cho trẻ, dẫn đến tình trạng stress của lứa tuổi học sinh ngày càng tăng cao và nhiều mức độ khác nhau.
- Để kỳ nghỉ hè không nhàm chán, cha mẹ áp dụng 5 kế hoạch vui chơi tưng bừng cùng con
- Trẻ lớn lên nhút nhát, sợ sệt là do bố mẹ đang mắc phải những sai lầm dưới đây
Áp lực của trẻ không còn là trò đùa
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ trẻ vị thành niên tự tử khiến nhiều bậc cha mẹ lo sợ. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính nước ta có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Các số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có từ 36.000 đến 40.000 nghìn người tự tử, số nạn nhân ở độ tuổi học sinh, sinh viên không hề nhỏ và phần lớn đều gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, trong đó có trầm cảm.
Thậm chí, theo các thống kê, nhiều trẻ đến phòng khám với những biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau, rối loạn hành vi cảm xúc, trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp... Nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực của gia đình và nhà trường. Một số trẻ được sống trong gia đình đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ đến mức “ngộp thở”. Số khác lại bị cha mẹ lên án, chỉ trích hoặc bỏ bê. Đây đều là nhân tố kích thích dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ.
Ảnh minh họa
Bà Phan Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng tham gia tư vấn cho rất nhiều trẻ em có các biểu hiện về tâm lý. Trong đó, bà rất trăn trở nghe tâm sự của bé gái học lớp 6 đăng kí tham vấn tâm lý. Em kể về những áp lực khi luôn bị mẹ so sánh với bạn bè. Khi bị điểm kém, mẹ mắng em rất nặng lời, cấm em đi chơi với bạn. Thậm chí, mẹ luôn cáu giận vô cớ và trút những cơn giận đó lên đầu em, xưng hô “mày – tao”, chửi bậy trước mặt em. Thái độ của mẹ khiến em có cái nhìn tiêu cực, nhiều lần nghĩ đến việc chấm dứt sự mệt mỏi khi ở cùng mẹ. Em muốn được yêu thương nhưng lại không cảm nhận được hạnh phúc từ mẹ. Em ước mình biến mất.
Chia sẻ của bé gái học lớp 6 từ vị chuyên gia cho thấy một phần lý do khiến trẻ có tâm lý chán nản, muốn chấm dứt cuộc sống là từ chính áp lực cha mẹ gây nên. Ngoài ra, thời gian học online khi thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng cũng phần nào khiến tâm lý của nhiều trẻ thay đổi.
Ngày ngày đối diện với 4 bức tường, không có không gian, môi trường giao tiếp cộng với áp lực thành tích học tập khiến trẻ căng thẳng hơn. Hơn cả, độ tuổi vị thành niên với đặc trưng tâm lý lứa tuổi: bồng bột, dễ tự ái, chống đối, liều lĩnh, bất cần… nếu chịu những tác động từ bạn bè xấu, môi trường xung quanh, tâm lý sợ thua kém cũng khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực.
Nhận diện các nguy cơ để cùng con vượt qua
Chuyên gia Phan Lan Hương, để biết con có dấu hiệu muốn tự tử đòi hỏi có sự quan tâm, sự tinh tế của cha mẹ trong việc thấu hiểu con. Bởi có những sự việc được báo trước nhưng cũng có những sự việc bất ngờ khi xung đột xảy ra khiến con hành động bột phát.
“Cha mẹ không nên gây áp lực về học tập hay những áp lực về các mối quan hệ trong gia đình. Theo sát con để nắm được những khó khăn trong những mối quan hệ giao tiếp của con ngoài xã hội, không soi mói, can thiệp quá sâu vào sự riêng tư của con. Cha mẹ nên nhớ, trẻ em cũng cần có những bí mật hay sự riêng tư của mình. Thay vì giáo huấn, mắng mỏ về những thất bại hay sai lầm của con thì cha mẹ nên chia sẻ và hỗ trợ, chỉ bảo con cách làm đúng. Trẻ con phải được có quyền sai vì sai các con mới trưởng thành được”, bà Phan Lan Hương chia sẻ.
Ảnh minh họa
Tương tự, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu phụ huynh quan tâm đến con cái của mình có thể nhận ra sớm các dấu hiệu như con thỉnh thoảng nói rằng: “Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu”, hay “Chả có gì quan trọng cả!”, “Mọi việc đều vô ích thôi!”, hoặc “Con chả còn gặp ai nữa đâu mà nói”...
Mặt khác, phụ huynh cũng có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như: Sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự và nói sẽ cho người này món này, người khác món kia mà mình yêu quý; tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm cách hành động như để trả ơn bố mẹ. Ngoài ra, có một số dấu hiệu chỉ báo trầm cảm mà các bậc cha mẹ cần quan tâm như: Các con thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, mất hứng thú về những thú vui cá nhân.
Bên cạnh đó, cũng có nhưng dấu hiệu “cấp báo” như nói đùa sẽ chết; viết truyện viết thơ về cái chết; có những hành vi tự hủy hoại bản thân; nói tạm biệt với gia đình; tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.
Theo các chuyên gia, khi thấy con có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, hành vi, giao tiếp... cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, tạo điều kiện cho con có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí. Đôi khi con sẽ không nghe lời khuyên của cha mẹ, những người thân trong gia đình nhưng bạn bè và những người có uy tín với con lại có vị trí quan trọng trong việc chỉ bảo hay định hướng tâm lý, hành vi đối với con. Hãy tìm cách để con có chế độ ăn uống, giấc ngủ, sinh hoạt trở lại bình thường. Giảm bớt các hoạt động gây căng thẳng, mệt mỏi cho con. Những môn thể thao, năng khiếu cũng giúp ích cho con trong việc giải tỏa căng thẳng, buồn phiền. Tăng cường mối quan hệ tốt giữa cha mẹ - con cái.
Bên cạnh đó, chính cha mẹ phải thay đổi bản thân, đôi khi cần sự dũng cảm để có thể vượt qua thói quen, nếp nghĩ hàng chục năm vốn cố hữu của mình. Đưa con đi thăm khám về tâm lý khi có bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào đáng lo ngại ở con cũng là một cách tốt để có những biện pháp đúng, kịp thời giúp con trở lại cuộc sống bình thường.